Phủ thờ được bao bọc giữa cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Ảnh: Nguyễn Trà
Gần 600 năm trên xứ Nghệ kiêu hùng
Họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm trên mảnh đất Nghệ An còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu. Phủ thờ họ Nguyễn Cảnh thuộc xã Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ An) là một trong số đó. Phủ thờ nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 60 km, được bao bọc giữa cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, ngô khoai trù phú.
Lối vào phủ trước đây vốn là con đường đất nay đã được bê tông hóa Ảnh: Nguyễn Trà.
Phủ thờ ba vị Quận công: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Vạn và Nguyễn Cảnh Yên.
Cổng phủ mới được xây dựng sau này vào năm 1940. Ảnh: Nguyễn Trà
Theo lịch sử ghi chép lại, vào thế kỉ XVI, vùng Thanh - Nghệ, trộm cướp và giặc giã nổi lên như ong. Nguyễn Cảnh Huy cùng năm con trai là Nguyễn Cảnh Noãn, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Hân, Nguyễn Cảnh Vạn, Nguyễn Cảnh Chiêu lập đồn trại, chiêu mộ quân sĩ và khởi tiễu trừ các đám sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần các thế lực đối địch ở địa phương, từ đó mới được yên tĩnh, nhân dân được yên ổn cày cấy làm ăn.
Ngay cổng chính vào phủ thờ có hai vị tướng đứng chầu, tháp tùng rất uy phong, lộng lẫy Ảnh: Nguyễn Trà
Năm con trai của ông đều là những vị tướng giỏi triều Hậu Lê, trong đó có con thứ hai là Nguyễn Cảnh Hoan được phong Thái phó Tấn quốc công. Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh hiện nay sinh sống trên nhiều địa phương, có nhiều người thành đạt.
Lối vào phủ thờ Ảnh: Nguyễn Trà
Vào năm 2004, Hiệp hội UNESCO công nhận Đền thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và Lễ Hội “Thập niên sự lễ” của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An là di sản lịch sử văn hóa được bảo trợ lâu dài vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa bản sắc Việt Nam.
Năm 2013, mộ và nhà thờ Nguyễn Cảnh Huy xã Thanh Ngọc và xã Thanh Hưng (Thanh Chương, Nghệ An) được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia…
Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Cổng phủ mới được xây dựng sau này vào năm 1940, là sự giao thoa đặc sắc giữa lối kiến trúc Pháp và kiến trúc cung đình Huế. Lối vào phủ thờ gồm có bốn cửa: Gồm một cửa chính và ba cửa phụ. Ngay cổng chính vào phủ thờ có hai vị tướng đứng chầu, tháp tùng rất uy phong, lộng lẫy… Trong phủ đặt lộng, gươm, đao, giáo, mác. Ngay chính giữa đền thờ đặt bàn thờ bài vị, bình hương để người dân đến thắp hương cầu nguyện. Xung quanh phủ thờ là hàng trăm cây xanh và ao sen thơm ngát.
Bằng khen của tỉnh Nghệ An
Phủ thờ từng nhận được bằng khen của tỉnh Nghệ An vì đã có thành tích tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Mới đây nhất là bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố: Là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.
Cổng phủ, cột… được chạm trổ hoa văn tinh xảo, cổ kính. Ảnh: Nguyễn Trà
Phủ thờ được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất hệ thống đền, chùa ở Nghệ An, thu hút không chỉ những người dân xứ Nghệ, mà cả những du khách thập phương đến thắp hương cầu phúc.
Ông Nguyễn Cảnh Trử, tộc trưởng họ Nguyễn Cảnh, chi Thanh Văn. Ảnh: Nguyễn Trà
Ông Nguyễn Cảnh Trử, (tộc trưởng họ Nguyễn Cảnh, chi Thanh Văn) cho biết: “Tính đến nay phủ thờ đã trải qua 400 năm lịch sử, đã được tu sửa lại nhiều lần. Cổng thờ mới xây dựng gần đây vào năm 1940. Thanh Văn là chi thứ 4. Phủ thờ họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Văn có ba lần cúng Tổ.
Vào ngày 4-10 là ngày giỗ Đức Hoàng Hưu Nguyễn Cảnh Huy (cha của Đức Thánh Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan).
Ngày 16-9 là ngày giỗ Đức Thánh Thái Phó Nguyễn Cảnh Hoan.
Ngày 4-11 là ngày giỗ Cường Quận công Nguyễn Cảnh Vạn và Quận công Nguyễn Cảnh Yên”.
Cụ Nguyễn Cảnh Hồng (90 tuổi). Ảnh: Nguyễn Trà
Theo cụ Nguyễn Cảnh Hồng (90 tuổi), một cao niên của dòng họ, cho biết phủ thờ đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc. Vào đêm 30 tết, con cháu thường về đây tụ hội, thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính dâng lên tiên tổ để cầu phúc, cầu lộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, con cháu khang cát, bình an.
Họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An có 18 quận công, 72 tước hầu, tước Bá cùng với các vị văn khoa, hoàng giáp, tiến sĩ trước năm 1945 còn lưu giữ đến ngày nay để các con cháu biết và có dịp về thăm. Trong đó phủ thờ tại xã Thanh Văn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có hai tước hầu, hai quận công. |