KỂ CHUYỆN BÁO CHÍ ĐIỀU TRA Ở TRUNG QUỐC - BÀI 3

Ác mộng “phục hồi nhân phẩm”

Đêm đã khuya. Giọng một phụ nữ gọi tới đường dây nóng của báo Dương Thành Tin Tối hớt hơ hớt hải kể rằng cô bị một trại phục hồi nhân phẩm dành cho người nghiện ma túy ở Quảng Châu bán cho chủ chứa và cô vừa trốn thoát khỏi tổ quỷ đó. Tên cô là A Văn.

Có 5.000 tệ việc này mới xong

Người trực đường dây nóng báo lại cho phóng viên Triệu Sư Long và anh nhà báo này hiểu ngay rằng đây là một chuyện nghiêm trọng. Anh gọi lại cho cô gái, hẹn gặp vào buổi sáng hôm sau, 14-3-2002, tại tòa soạn.

9 giờ sáng, A Văn đến chỗ hẹn. Đó là một cô gái 30 tuổi, gầy hốc hác với những quầng thâm dày xung quanh mắt. A Văn nghiện ma túy và đã được Công an Quảng Châu gom về một trại phục hồi nhân phẩm dành cho người nghiện, nằm trên một hòn đảo ở sông Châu Giang. Không bao lâu sau, A Văn phát hiện thấy những học viên nữ trong trại cứ bị đưa đi đâu không rõ, cũng không có một lời thông báo nào. Vài người xì xào rằng những phụ nữ này bị bán làm gái điếm, phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục ở địa phương.

Đầu tháng 2-2002, đến lượt A Văn bị gọi đi như thế. Nữ quản giáo đưa cô vào một căn phòng kính, phía ngoài có những người đàn ông đang chờ sẵn để quan sát. Đôi bên mặc cả. Rồi ngày 2-3, một gã chủ chứa có biệt danh “bố già Mao” đã mua cô và hai phụ nữ trẻ khác, mặc cho họ sợ hãi, van nài xin được ở lại. Hắn chở thẳng cả ba tới một ngôi làng ở quận Hải Châu (Hải Châu thị hạt khu, Quảng Châu). Tại đây, hằng tối họ bị ép phải ra đứng đường đón khách đến chừng nào trả được khoản tiền 5.000 nhân dân tệ mà Mao nói là hắn đã phải chi cho trại để “chuộc” họ ra.

Trong ba ngày sau đó, A Văn phải tiếp tám khách mua dâm. Tới ngày thứ tư, 6-3, cô trốn thoát nhưng phải đến nương náu nhà bạn, không dám về với gia đình vì cả trại giáo dưỡng lẫn bố già Mao đều đã nắm được thông tin cá nhân của cô.

Ác mộng “phục hồi nhân phẩm” ảnh 1

Một trường phục hồi nhân phẩm ở Trung Quốc. Ảnh: absolut-china.com

Vào “động quỷ”

Phóng viên Triệu Sư Long hiểu rằng nếu đăng bài ngay, anh sẽ chỉ cho ra một sản phẩm báo chí hời hợt. Nếu muốn có một phóng sự điều tra sâu sắc, anh sẽ phải nhập vai để lọt được vào “động quỷ” này.

Sau khi bàn bạc kỹ với tòa soạn, với sự giúp đỡ của A Văn, anh cùng một phóng viên ảnh đã tìm đến trại phục hồi nhân phẩm nọ trong vai hai thương nhân đi tìm mua gái. Họ bí mật gài một camera nhỏ xíu vào điện thoại di động và ghi hình, ghi âm toàn bộ cuộc nói chuyện. Sau khi mặc cả, họ thỏa thuận “mua” được hai trại viên nữ tên là Phiên và Đông.

Khi được đưa về tòa soạn báo, Phiên và Đông đã kể lại những câu chuyện mà họ chứng kiến ở trại, hé lộ nhiều sự thật kinh hoàng. Chẳng hạn họ phải ngâm tay hàng giờ trong dung dịch amoniac để làm đồ trang sức cho trại. Quản giáo thường xuyên đánh các học viên rất dã man. Và khủng khiếp nhất là trong thời gian chưa đến ba tháng họ ở đó, đã có hơn 30 phụ nữ bị bán cho các chủ chứa ở một số ngôi làng ngoại ô Quảng Châu.

Ngày 16-3, sau cuộc đột nhập của Triệu Sư Long vào trại giáo dưỡng, đích thân tổng biên tập của báo Dương Thành Tin Tối gọi cho Cục An ninh địa phương để kể lại toàn bộ sự việc. Đồng thời, tổng biên tập đã nộp lại toàn bộ tài liệu, băng ghi âm, băng hình cho công an theo yêu cầu của lực lượng điều tra. Liền sau đó đã có một chiến dịch vây ráp. 10 người bị bắt, trong đó có một số quản giáo cùng giám đốc của trại La Kiện Văn. Trại bị đóng cửa, giải tán. Bố già Mao trốn thoát.

Bây giờ mới đến phần viết bài. Triệu Sư Long rất nóng lòng muốn đưa hết sự việc lên mặt báo nhưng anh cũng hiểu rằng còn cả núi trở ngại phía trước. Anh viết một bài 8.000 từ, mô tả tỉ mỉ các hoạt động phạm pháp và tội ác ở trại ấy, cũng như kể lại chiến dịch vây ráp của công an.

Tuy nhiên, vấn đề là kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc vừa mới khai mạc trước đó hai tuần. Cả tổng biên tập lẫn tòa soạn báo Dương Thành Tin Tối đều sợ là câu chuyện có thể thu hút sự chú ý của công luận cả nước và như thế thì sẽ phá hỏng con đường hoạn lộ - được dự đoán là có thể lên tới chức chủ tịch tỉnh Quảng Đông - của vị lãnh đạo cao nhất Quảng Châu.

Tổng biên tập đề nghị Triệu Sư Long chấp nhận phương án biến bài thành “tài liệu tham khảo nội bộ”, để chỉ dành cho lãnh đạo địa phương đọc thay vì phơi bày mọi chuyện lên báo. Triệu Sư Long kịch liệt phản đối. Cuối cùng bài của anh vẫn được đăng tải vào ngày 21-3 nhưng bị cắt thành một mẩu 600 từ và không thu hút mấy sự chú ý.

Công lý bị nhạo báng

Sau khi báo ra, một độc giả nữ 26 tuổi, biệt danh Tiểu Nhiên, tìm gặp nhà báo Triệu Sư Long để tố cáo thêm tội ác của trại phục hồi nhân phẩm và bố già Mao.

Cô kể rằng quản giáo từng bắt các học viên nữ chịu hình phạt ngồi suốt đêm trong nước lạnh giá; trong số này, một người đã chết vì sụt giảm thân nhiệt. Y tế của trại ghi vào biên bản rằng nạn nhân “chết trong lúc tắm”. Bản thân Nhiên cũng bị trại bán cho bố già Mao, mỗi ngày phải tiếp ít nhất 10 khách mua dâm. Một lần cô bỏ trốn nhưng bị bắt lại, bị trừng phạt bằng nhiều nhát chém vào hai bắp chân. Ngày hôm sau, mặc dù các vết thương vẫn còn mưng mủ, Nhiên vẫn phải ra đường đón khách. Cuối cùng, nhờ một vị khách thương tình cứu giúp, cô cũng trốn thoát nhưng đã mắc bệnh ung thư tử cung.

Cả Triệu Sư Long và Tiểu Nhiên đều chỉ mong công lý sớm được thực thi.

Song lần nào Long tìm đến công an để hỏi thăm về vụ việc họ cũng đều từ chối cung cấp thông tin với lý do “vẫn đang điều tra nên không thể trao đổi chi tiết”. Mãi tới tháng 3-2003, tròn một năm sau cuộc vây ráp của công an, mới có tin TAND Quảng Châu đã xét xử (mà không thông báo cho báo chí) hai cựu quản giáo ở trại ấy. Hai người bị buộc tội “tham gia môi giới mại dâm” nhưng được giảm nhẹ tội vì họ “bị buộc phải làm theo lệnh cấp trên”… Tuy nhiên, phiên tòa không hề nhắc gì tới tội trạng của các quản giáo khác cũng như của giám đốc La Kiện Văn trong các vụ bán người. Chưa kể ông này đã được bảo lãnh tại ngoại chỉ một tháng sau khi bị bắt, đã đi làm bác sĩ và được chỉ định làm giám đốc của một bệnh viện sắp được xây mới tại đúng nơi đặt cái trại cũ.

Lưới trời lồng lộng

May mắn kỳ diệu đã đến với Triệu Sư Long khi chương trình Phóng sự Điều tra của đài truyền hình CCTV tìm đến anh để mời anh “diễn” lại câu chuyện cũ, lần này với ê-kíp của họ. Long đồng ý và tìm cách gặp lại A Văn, Tiểu Nhiên cùng những nguồn tin cũ của mình. Khó khăn lắm anh mới tìm ra được manh mối của A Văn.

Long cũng đã phát hiện được một người trước từng là nhân viên ở trại ấy và thu được nhiều thông tin giá trị. Ngày 13-6-2003, cùng với ê-kíp của đài CCTV, anh bước vào phòng làm việc của La Kiện Văn - con người mà trước đó một năm anh đã tiếp xúc trong vai trò thương nhân đi mua gái mại dâm.

Điều Long không ngờ là La Kiện Văn vẫn tỉnh bơ: “Tôi là đảng viên cộng sản đã bao năm nay. Làm sao tôi có thể phạm những tội ác tày trời như anh kể?”. Ông ta cũng phủ nhận mọi trách nhiệm trong vụ hai quản giáo bị bắt và kết án tù, đồng thời khẳng định là chưa từng gặp Long bao giờ.

Toàn bộ băng hình, băng ghi âm trước đó đều đã nộp cho công an, Long không có bằng chứng gì, đành chịu. Liền sau đó là quá trình phóng viên tìm hiểu và cơ quan chức năng đổ tội cho nhau: Bên công tố thì nói công an chưa gửi tài liệu của Long cho họ, bên công an thì nói đã gửi hết rồi.

Cuối cùng, ngày 14-7-2003, CCTV vẫn phát sóng chương trình của họ với cái tên “Ác mộng của A Văn”. Lập tức cơ quan chức năng vào cuộc.

Ngày 16-9-2003, La Kiện Văn bị bắt. Tuy thế, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục: Triệu Sư Long liên tục nhận được những tin nhắn nặc danh đe dọa, khủng bố tinh thần, đồng thời bị nhiều sức ép ở tòa báo đến mức anh buộc phải đâm đơn xin thôi việc (rồi trở thành phóng viên của CCTV). Mãi đến ngày 8-6-2004, tòa ra phán quyết xử Kiện Văn tội lạm dụng chức vụ, lĩnh án hai năm tù, song lại được trả tự do ngay tháng 11-2004.

Cái kết có hậu nhất đối với những nỗ lực của Triệu Sư Long là cuối cùng anh cũng đã được trao một giải báo chí quốc gia với phóng sự về trung tâm phục hồi nhân phẩm của La Kiện Văn.

HOÀNG THƯ

Kỳ tới: Khi báo chí tham nhũng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm