Công chức kiện đòi lương, tòa hành chính xử?

Hầu hết ý kiến đều nhận xét vụ tranh chấp này phải được giải quyết bằng một vụ kiện hành chính.

Không phải án lao động

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho biết trước đây các khái niệm công chức, viên chức chưa được pháp luật phân biệt rõ ràng nên gây nhầm lẫn cho nhiều người trong việc xác định thế nào là công chức, thế nào là viên chức.

Luật Cán bộ, Công chức 2008 và Luật Viên chức 2010 ra đời đã khắc phục được vướng mắc nêu trên. Theo các quy định hiện hành, công chức là những người trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, khi có sự tranh chấp về tiền lương hoặc các tranh chấp khác về lao động, bổ nhiệm… của công chức thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Đồng tình, luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích thêm: Bộ luật Lao động điều chỉnh quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua hợp đồng lao động (Điều 2, Điều 3 Bộ luật Lao động). Trong khi đó, theo Luật Cán bộ, Công chức 2008 và Nghị định số 24/2010 của Chính phủ (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) thì chỉ có hai hình thức tuyển dụng công chức đó là thi tuyển và xét tuyển. Người tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển công chức mà đủ điều kiện thì theo quy định tại Điều 18 Nghị định 24/2010, người đứng đầu cơ quan tuyển dụng ra quyết định tuyển dụng công chức. Với các quy định này, công chức là những người được tuyển dụng theo biên chế với hình thức tuyển dụng bằng quyết định tuyển dụng chứ không phải hợp đồng lao động. Do vậy công chức không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

TS Lê Thị Thúy Hương (Trưởng bộ môn Luật lao động Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng việc công chức kiện đòi lương không phải là án lao động. Bởi lẽ lương của công chức do Nhà nước trả và Nhà nước không phải là người sử dụng lao động như định nghĩa của Bộ luật Lao động. Việc trả lương của Nhà nước vừa xét mức độ hoàn thành công việc, hiệu quả chuyên môn… của cán bộ, công chức, vừa xét đến tính chất đãi ngộ, phục vụ của họ. Lương của cán bộ, công chức hoàn toàn khác với lương, thu nhập của quan hệ lao động thông qua hợp đồng lao động mà tính chất đặc trưng của nó là mua, bán sức lao động hoặc là giá cả sức lao động.

Kiện hành vi hành chính

“Trường hợp mà báo vừa phản ánh, tôi cho rằng đây có thể là một quan hệ hành chính, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hành chính chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động” - TS Hương khẳng định.

Theo một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao, khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gồm “khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính… và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.

Đối chiếu lại phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là “những quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó”.

Như vậy các quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tố tụng hành chính và thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa bằng vụ kiện hành chính. Việc lãnh đạo cơ quan, tổ chức không trả lương, phụ cấp hay trả không đầy đủ cho công chức là hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Công chức không được trả lương, phụ cấp hoặc bị trả thiếu có quyền khởi kiện hành vi hành chính.

Các tòa đều từ chối giải quyết

Bà Phạm Thị Hồng Vinh là công chức được tuyển dụng vào biên chế của Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) từ tháng 5-1987. Đầu năm 2011, bà Vinh khởi kiện Trường ĐH Nha Trang ra TAND TP Nha Trang vì cho rằng nhà trường đã không trả đủ lương và phụ cấp, dù bà đã liên hệ nhiều lần nhưng không được nhà trường giải quyết. Theo đơn khởi kiện, tổng số tiền lương và phụ cấp công việc mà bà Vinh yêu cầu nhà trường thanh toán là gần 115 triệu đồng.

Sau khi thụ lý, tháng 12-2012, TAND TP Nha Trang đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”. Không đồng ý, bà Vinh kháng cáo. Tháng 3-2013, phiên họp của TAND tỉnh Khánh Hòa đã bác đơn kháng cáo của bà Vinh và giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP Nha Trang với lý do bà Vinh là công chức, được điều chỉnh theo Luật Cán bộ, Công chức 2008 nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Bà Vinh bèn khởi kiện lại Trường ĐH Nha Trang bằng một vụ án hành chính (yêu cầu khởi kiện vẫn giữ nguyên như ban đầu). Cuối năm 2013, TAND TP Nha Trang gửi cho bà Vinh thông báo trả lại đơn kiện với lý do vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Không đồng tình, bà Vinh khiếu nại lên TAND tỉnh Khánh Hòa thì bị chánh án tòa này bác đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm