Tại sao Bangkok bị ngập nặng - Bài 2: Quy hoạch bỏ quên kênh thoát nước?

Quy hoạch đô thị dường như đã bỏ quên chức năng thoát lũ của kênh nên dần dà “kênh kia rày đã nên nhà”…

“Các con kênh của Bangkok ngày xưa đâu mất rồi?”. Đó là tựa một bài báo trên tờ Bangkok Post (Thái Lan) ngày 17-11, khi Bangkok vẫn còn nhấn chìm trong biển nước. Bài báo cho biết Bangkok từng là một thành phố kênh rạch chằng chịt. Khu đô thị tại quận Thon Buri (phía tây Bangkok) được bao bọc bởi hai con kênh Klong Lad Lampu và Klong Rang Kaew.

Trước đây, hằng năm, khi lũ lụt xảy ra ở khu vực Thon Buri, hai con kênh giúp nước lũ rút nhanh chóng ra mạng lưới luồng rạch hạ nguồn. Còn ở thời điểm ngày 17-11, khu đô thị này vẫn còn ngập sâu hơn 1 m.

Những dòng kênh chết

Hai con kênh Klong Lad Lampu và Klong Rang Kaew không còn giúp bảo vệ khu vực này tránh lũ nữa. Bởi lẽ một kênh đã bị cắt bởi một tòa nhà lớn, kênh còn lại bị chặn bởi một công trình đường sá. Nước tràn đầy ở hai con kênh bị cắt cụt thậm chí còn đe dọa đường Rama 2 kết nối Bangkok với miền Nam Thái Lan.

Các con kênh chết là một thực tế không chỉ ở khu vực đồng bằng trũng như Thon Buri mà còn xuất hiện ở tất cả vùng đồng bằng trũng khác còn lại của Bangkok. Đó là một trong những lý do tại sao Bangkok phải ngập lụt sâu và lâu hơn nhiều so với trước đây.

Ngày xưa, các con kênh với dòng chảy tự do là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương, là môi trường sống của nhiều loài cá tôm và là nơi bơi tắm thỏa thích của cư dân. Bây giờ, ở khu vực nội thành Bangkok, các con kênh chỉ tồn tại chủ yếu như một chiếc cống thoát nước thải mang dòng nước đen ngòm, hôi thối ra một chiếc cống nước thải lớn hơn được gọi là sông.

Tại sao Bangkok bị ngập nặng - Bài 2: Quy hoạch bỏ quên kênh thoát nước? ảnh 1

Nếu không nhanh chóng bắt tay nghiên cứu các giải pháp, có thể một ngày nào đó TP.HCM cũng sẽ hứng chịu thảm họa như Bangkok. Ảnh: VĨNH THUẬN

Sự lạm dụng các con kênh đã khiến Bangkok phải trả giá bằng trận lụt lịch sử vừa rồi. Nước lũ đổ về từ phía bắc đáng lẽ chảy ra biển qua các con kênh ở thủ đô nhưng bây giờ, điều này không thể vì tình trạng tắc nghẽn xuất hiện hầu như ở mọi con kênh.

Trước khi lũ lụt xảy ra, Bangkok có nhiều tháng để nạo vét các con kênh nhưng các quan chức ở đây đã không làm gì cả, dù đã được cấp ngân sách cho công tác nạo vét mỗi năm. Theo Bangkok Post, không loại trừ khả năng có tham nhũng trong khoản ngân sách này.

Chặn dòng, dựng phố, xây công trình

Phía đông Bangkok, nơi được thiết kế thành khu vực tháo lũ ra vịnh Thái Lan, giờ đây nhiều con kênh không còn tác dụng nữa. Đầu tháng 11, Bộ TN&MT Thái Lan qua cuộc thanh tra đã cho biết 26 con kênh ở phía đây đã bị cản hoặc bị nắn dòng chảy các công trình xây dựng trái phép. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến nước lũ phải mất nhiều thời gian để tiêu thoát.

Chẳng hạn, kênh Chuad Ta Thim ở quận Bang Na dường như đã biến mất hoàn toàn và thay thế vào đó là một khu căn hộ cao cấp. Ngoài ra, có nhiều sân gôn, khu chung cư cũng xây dựng trái phép trên các nền đất vốn trước đây là các con kênh. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi và nhiều đường sá khác cũng ngăn chặn các luồng chảy của các kênh rạch lớn và phong tỏa các khu vực trũng giữ nước. Đó là chưa nói nhiều khu ổ chuột mọc lên dọc theo các con kênh khiến dòng chảy của nó càng thêm bít bùng, ngắc ngoải.

Bộ TN&MT Thái Lan còn phát hiện có nhiều cửa cống được xây dựng trái phép trên các con kênh nhằm kiểm soát dòng chảy. Sau khi phát hiện, nhà chức trách đã phá dỡ bảy cửa cống ở hạ nguồn kênh Sam Wa nhưng vẫn còn nhiều cửa cống khác ở các con kênh khác, góp phần làm cho nước lũ thoát chậm hơn. Nhiều cống xả lũ do chính quyền Bangkok xây dựng và quản lý cũng làm hẹp các kênh và cần phải phá bỏ.

Ông Thaweewong Sriburi, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Chula Unisearch của ĐH Chulalongkorn, cho rằng quy hoạch đô thị yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến lũ lụt trầm trọng ở Bangkok. Trong nhiều thập niên qua, Thái Lan đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, đường sá, đô thị và khu công nghiệp đe dọa dòng chảy tự nhiên hoặc lấn chiếm các khu vực trũng lưu trữ nước lũ trước đây. Chẳng hạn, bảy khu công nghiệp nằm ở khu vực trũng bị ngập lũ ở tỉnh Ayutthaya và tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok vốn là lòng chảo hút lũ ngày trước.

Tại sao Bangkok bị ngập nặng - Bài 2: Quy hoạch bỏ quên kênh thoát nước? ảnh 2

Khi triều cường đạt đỉnh, bờ bao bị vỡ, người dân ở Thủ Đức (TP.HCM) cũng khốn khổ không kém dân Bangkok mới đây. Trong ảnh: Người dân Bangkok ồ ạt chạy lũ. Ảnh: VĨNH THUẬN

Ngay cả khi nước lũ được nắn cho chảy về phía đông Bangkok, các con kênh cũng thoát nước rất chậm do bị tắc nghẽn. Khi nước lũ từ phía bắc dồn dập đổ về, nước ở các con kênh này tràn ra khỏi bờ bao và gây ngập.

Thay vì bắt tay vào các giải pháp nhỏ nhưng thiết thực, cần làm ngay như nạo vét các luồng rạch và đầm lầy cũ, nhà chức trách chỉ mải mê nghĩ đến các ý tưởng lớn như kênh dẫn lũ đặc biệt, các đường hầm thoát lũ khổng lồ, thậm chí xây dựng… thủ đô mới. Ngoài ra, họ vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng xây dựng thêm các con đập lớn để điều tiết lũ. Nhà chức trách vẫn dựa vào niềm tin cố hữu rằng tiền bạc và công nghệ có thể giúp ngăn ngừa được các cơn lũ trong tương lai.

Tầm nhìn quy hoạch quá yếu

Được xây dựng vào năm 1983 sau một trận lũ lớn, hệ thống thoát nước của Bangkok gồm các kênh đào, đường hầm dẫn nước, các trạm bơm và các hồ giữ nước đã không còn hữu hiệu trong thời gian gần đây. Trong trận lũ vừa qua, Bangkok phải vật lộn để nắn dòng nước lũ qua phía đông để đi ra biển. Bởi hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng chủ yếu với mục đích thoát nước lũ cục bộ do mưa lớn gây ra chứ không tính đến việc thoát lũ đổ về từ phía bắc Thái Lan.

Hệ thống thoát nước của Bangkok dựa trên mô hình đất lấn biển, với hàng loạt con đê được xây dựng xung quanh thành phố. Nước lũ được hướng chảy ra biển bằng các trạm bơm, các kênh đào và đường hầm thoát nước. Hệ thống đê bao được xây dựng chủ yếu ở nội thành, phía tây và phía đông Bangkok. Chẳng hạn, phía tây Bangkok có một mạng lưới đê bao dọc sông Chao Phraya cùng hai con kênh Mahasawas và Bangkok Noi giúp ngăn ngừa nước lũ tràn vào các khu vực được bảo vệ phía bên trong đê.

Các công trình chính để bảo vệ Bangkok khỏi bị ngập lũ là hệ thống đê bao ở đông bắc Bangkok và đập Pasak Cholsid ở tỉnh Saraburi, nơi có thể chứa 800 triệu m3 nước. Tuy nhiên, một khi đập Pasak Cholsid đầy, nước lũ sẽ dồn vào sông Chao Phraya chảy qua Bangkok. Nếu khối lượng nước lũ từ phía bắc đổ về Bangkok quá lớn, hệ thống thoát nước không có khả năng gánh nổi.

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến “thảm họa lịch sử” vừa qua ở Bangkok.

Sẽ xây kênh siêu thoát lũ?

Cựu thị trưởng Bangkok Phichit Rattakul cho rằng Bangkok cần phải xây dựng thêm nhiều kênh dẫn lũ để giúp nước lũ đổ về từ phía bắc thoát ra biển. Cách đây vài năm, ông Rattakul đã đề nghị đào một con sông “Chao Phraya” thứ hai nhưng ý tưởng này bị bác bỏ vì thiếu sự ủng hộ. Cựu Phó Giám đốc của Sở Thoát nước Bangkok Chanchai Vitoonpanyakij cũng cho rằng Bangkok cần xây dựng cơ sở hạ tầng mới để đối phó với lũ từ phía bắc, đặc biệt là phải xây dựng thêm nhiều kênh thoát lũ.

TS Thanawat Jarupongsakul ở khoa Nghiên cứu Thông tin Đất đai và Thảm họa (ĐH Chulalongkorn, Bangkok) đề xuất phương án xây dựng một kênh siêu thoát lũ dài 200 km ở Bangkok. Theo đó, các kênh tự nhiên ở Bangkok sẽ được thông với kênh siêu thoát lũ để tải nước lũ đổ về từ phía bắc rồi sau đó đưa ra biển. Kênh siêu thoát lũ này sẽ có sức chứa 1,6 tỉ m3 nước, tốc độ thoát nước 6.000 m3/giây. Theo ông Jarupongsakul, chi phí để xây dựng kênh siêu thoát lũ này thấp hơn chi phí đào một con sông mới để giúp thoát lũ.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm