Chung kết Bài hát Việt 2010: Nghiệp dư, chuyên nghiệp so tài

Trong 15 ca khúc sẽ xuất hiện tại đêm chung kết, ngoài các gương mặt khá quen thuộc có không ít những gương mặt trẻ với nhiều sáng tác mới, lạ. Không chỉ trẻ, sáng tác lạ mà phần lớn họ là những tác giả nghiệp dư trên con đường âm nhạc.

Nghiệp dư với âm nhạc

Là một gương mặt mới tinh khôi, Lê Hà Nguyên (sinh năm 1992) lại xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình cuối cùng của Bài hát Việt 2010 vào tháng 1-2011. Thế nhưng ở lần đầu xuất hiện với ca khúc Bánh xe Hà Nội, tác giả vừa tròn 19 tuổi này đã nhận được bình chọn từ hội đồng thẩm định lẫn khán giả với hai giải thưởng: Bài hát của quý và Bài hát được khán giả yêu thích.

Ngoài việc có ông nội là nhạc sĩ, trong nhà có đàn guitar để tập gam rồi tự hát thì Nguyên hiện là sinh viên chuyên ngành đạo diễn điện ảnh của khoa Nghệ thuật điện ảnh ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Nếu Hà Nguyên có chút dính dáng đến âm nhạc từ truyền thống gia đình thì Toàn Thắng còn xa lạ hơn, bởi Thắng tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM. Tự nhận mình là dân amateur (nghiệp dư) với âm nhạc, thế nhưng Bài hát Việt từng chứng kiến sự xuất hiện các ca khúc của Toàn Thắng từ mùa Bài hát Việt 2007 với ca khúc Ngôi nhà lạc lõng.

Chung kết Bài hát Việt 2010: Nghiệp dư, chuyên nghiệp so tài ảnh 1

Bài hát Việt là sân chơi của những người mê hát, mê sáng tác rồi trở thành nhạc sĩ nghiệp dư và dần theo con đường chuyên nghiệp. Trong ảnh: Ca sĩ, nhạc sĩ Mai Khôi cùng nhạc sĩ trẻ Huy Trực trong chương trình Bài hát Việt quý I-2010. Ảnh: CTS

Tham gia Bài hát Việt ba lần nhưng đã hai lần được giải khá quan trọng: Giải Bài hát được khán giả yêu thích nhất của năm 2009 với ca khúc Bát cơm mẹ và Bài hát của quý trong chương trình tháng 3-2010 với ca khúc Chợt như giấc mơ là trường hợp của Huy Trực. Huy Trực từng dự định đi vào nhạc viện nhưng lại bỏ và chọn kiến trúc. Có thể nói con đường âm nhạc của Huy Trực ngoài đam mê thì tất cả vẫn chỉ là sự dạo chơi, tự học. Và cho đến giờ, Trực vẫn chọn đi làm kiến trúc để kiếm tiền phục vụ cho đam mê âm nhạc.

Thoát được mùi vị hàn lâm

Trong đêm chung kết Bài hát Việt 2010, đứng song hành cùng các nhạc sĩ nghiệp dư còn có không ít các nhạc sĩ được đào tạo chính quy, bài bản. Điều dễ nhận thấy nhất ở lớp nhạc sĩ có đào tạo bài bản chính là sự khuôn khổ đến khô cứng trong sáng tác. Thế nhưng các nhạc sĩ trẻ được đào tạo về âm nhạc, sáng tác chính quy trong chương trình Bài hát Việt 2010 phần nào đó đã thoát được mùi vị hàn lâm của nhà trường trong sáng tác. Đó là những sáng tác của các nhạc sĩ: Trần Hải Nam, Tạ Quang Thắng, Hà Văn Chương. Các nhạc sĩ là gương mặt quen thuộc của nhiều mùa Bài hát Việt cũng không hề thua sút phong độ với lớp nhạc sĩ trẻ.

Có thể nói Bài hát Việt là sân chơi chính thức của các nhạc sĩ nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp để họ thể nghiệm những sáng tạo của mình. Chính việc sòng phẳng giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp làm cho cơ hội của những tác giả đều ngang nhau. Đây cũng là nơi tìm ra những gương mặt mới của âm nhạc Việt hiện tại như từng tìm ra: Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến hay Lê Cát Trọng Lý. Không chỉ thế, cũng từ Bài hát Việt, một số ca sĩ đã ghi dấu ấn từ việc thể hiện những sáng tác của các tác giả trẻ này. Như Hải Yến từng thành công với Thềm nhà có hoa (Thanh Tâm), Tùng Dương được đóng mác tên tuổi qua ca khúc Con cò (Lưu Hà Anh), Phương Anh với Giấc mơ của tôi (Anh Quân)…

15 ca khúc mới trong đêm chung kết

Trong đêm chung kết (26-2), khán giả sẽ được thưởng thức lại 15 ca khúc tiêu biểu nhất của chương trình, trong đó có chín ca khúc nhận được giải Bài hát của quý từ bình chọn của hội đồng nghệ thuật như: Việt Nam (Mai Khôi), Chợt như giấc mơ (Lê Huy Trực), Uống trà (Phạm Toàn Thắng), Con ơi hãy ngủ (Hoàng Tuấn - An Hiếu), Hồ Gươm sáng sớm (Lưu Thiên Hương), Chạy theo ánh mặt trời (Lương Bằng Quang), Lá cờ (Tạ Quang Thắng), Bánh xe Hà Nội (Lê Hà Nguyên), Có những lúc (Tina Tình).

Và sáu bài hát còn lại được lựa chọn thêm từ những bài hát tham gia trong hơn một năm qua như: Mưa chiều vắng em (Sơn Thạch), Giọt nước (Trần Hải Nam), Nắng hát (Hà Chương), Cầu mưa (Xuân Minh), Gửi cánh chim biển (Võ Thiên Lan), Quên (Nguyễn Trường Giang).

Giải thưởng của Bài hát Việt 2010: Bài hát của năm, Bài hát mang phong cách pop-rock, Bài hát mang phong cách dân gian đương đại xuất sắc nhất… và các giải thưởng về hòa âm - phối khí… sẽ được trao vào tối 27-2 tại Nhà hát Quân đội TP.HCM.

Đại - Lâm - Linh, sự kiện đình đám nhất Bài hát Việt 2010

Nhóm Đại - Lâm - Linh xuất hiện trong chương trình Bài hát Việt tháng 6-2010 với bốn ca khúc ma quái cùng ba cái đầu trọc làm người nghe hết hồn. Sau sự kiện này, khán giả kéo nhau lên báo, các trang mạng xã hội để bàn luận. Khó có thể có chương trình nào của Bài hát Việt lại được bàn luận sôi nổi như thế.

Chung kết Bài hát Việt 2010: Nghiệp dư, chuyên nghiệp so tài ảnh 2

Nhóm Đại - Lâm - Linh từng gây sốc cho khán giả trên sân khấu Bài hát Việt 2010. Ảnh: CTS

Từ trang mạng xã hội facebook có hẳn những hội: Hội những người không thể nào cảm thụ được nhạc của Đại Lâm Linh, Hội những người thất kinh vì Đại Lâm Linh, Những người mãi mãi phát cuồng khi xem Đại Lâm Linh biểu diễn, Hội những người phát cuồng vì Đại Lâm Linh… Và đặt lại tên nhóm nhạc thành: Đại linh tinh, Đại ma quái…

Tầm sôi nổi của hiện tượng Đại - Lâm - Linh trong Bài hát Việt 2010 khiến nó trở thành một phần khá lớn trong chương trình Táo quân 2011 khi mà Táo Điện lực, Táo Quy hoạch... đều có phần châm biếm nhóm nhạc này.

NAM THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm