Cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm: Cần tháo gỡ cả tâm lý và pháp lý

(PLO)- Với tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho rằng cần tháo gỡ cả về tâm lý và pháp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại ngày làm việc thứ hai kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2023 (13-12), đại biểu Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã có những phát biểu liên quan đến tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Theo ông Nguyện, có hai khía cạnh chính là tâm lý và pháp lý. Nếu tâm lý tích cực thì cán bộ sẽ tìm chỗ dựa pháp lý đầy đủ để giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Tâm lý tiêu cực thì cán bộ chỉ lo an toàn cho bản thân.

đùn đẩy trách nhiệm
Đại biểu Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Người đứng đầu nếu vững, công tâm, khách quan và hết mình với công việc thì không có cấp dưới nào lọt qua được cánh cửa của người đứng đầu. Nhưng nếu người đứng đầu cũng sợ trách nhiệm thì rất khó.

“Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào nhưng mình yếu, anh em dựa vào rồi ngã luôn. Nên người đứng đầu phải nêu gương, động viên, bảo vệ, che chắn để cấp dưới tích cực làm”, ông Nguyện nói.

Ông Nguyện kiến nghị Đà Nẵng thành lập tổ công tác, mời Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra TP cùng vào cuộc để đánh giá, chấn chỉnh kịp thời tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị.

Vị đại biểu này cũng đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng giao trách nhiệm cho ba văn phòng trực thuộc.

“Bởi đây là ba cái rốn, chuỗi công việc, dòng luân chuyển văn bản để cuối cùng chúng ta phát hiện ra tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình phối hợp, tham mưu đề xuất lãnh đạo TP giải quyết công việc. Ba văn phòng phát hiện, báo cáo lãnh đạo TP xử lý kịp thời”, ông Nguyện hiến kế.

Cũng theo ông Nguyện, khiếm khuyết của pháp lý phải giải quyết bằng con đường pháp lý, không thể đổ lỗi cho cán bộ mà thuộc về các cơ quan lập pháp. Đây mới là căn cơ để xử lý rốt ráo tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, TP cần kiến nghị với các cơ quan cấp trên.

Về hành chính, pháp luật về hành chính phải trao quyền cho Chính phủ, chính quyền địa phương được quyết định các tình huống mà pháp lý không điều chỉnh tới hoặc có xung đột. Như vậy mới đáp ứng kịp thực tiễn, đây là kinh nghiệm của các nền hành chính phát triển.

Ngoài ra, khi pháp luật có sai sót thì các cơ quan giám sát pháp luật phải trưng cầu ý kiến của cơ quan lập pháp để kết luận. Khi pháp luật có các cách hiểu khác nhau mà cơ quan giám sát kết luận theo ý mình thì không ai dám làm.

“Các cơ quan lập pháp phải mở ra hành lang pháp lý. Nói đổi mới sáng tạo nhưng phải có hành lang pháp lý cho cán bộ. Cán bộ được quyết định ở ngang mức nào, còn lại phải xin ý kiến các cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp nào phải quy định rõ”, ông Nguyện cho hay.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 34/2023 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ trong tình hình hiện nay.

Lãnh đạo Đà Nẵng hy vọng việc triển khai chỉ thị này sẽ góp phần giải quyết được tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Xem thêm clip:

Cán bộ làm thêm giờ để giải quyết kịp hồ sơ cho dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm