Bộ Nội vụ: Tăng kiểm tra công vụ, chấn chỉnh tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm

(PLO)- Theo Bộ Nội vụ, sáu tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 3.853 người; trong đó bộ, ngành 107 người, địa phương 3.746 người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (8-7), tại TP.HCM, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2024.

Trong báo cáo gửi tới hội nghị, Bộ Nội vụ đã đề cập đến nhiều vấn đề đang được quan tâm hiện nay như sáp nhập huyện, xã; tinh giản biên chế hay thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

25 tỉnh, thành đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án

Về sáp nhập huyện, xã, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, Bộ Nội vụ cho biết đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (gọi tắt là đề án).

Kết quả, đến nay đã có 53 tỉnh, TP hoàn thiện phương án tổng thể. Trong đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị, gồm chín đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 40 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị. Cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị, gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 502 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.

Tính đến ngày 30-6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp ĐVHC của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Trong đó, chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đề án của năm địa phương là Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận.

Bộ Nội vụ: Tăng kiểm tra công vụ, chấn chỉnh tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sáu tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 3.853 người (bộ, ngành 107 người; địa phương 3.746 người). Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Ngoài ra, có chín địa phương đang hoàn thiện đề án sau thẩm định, 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định và 25 tỉnh, TP đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án.

Bên cạnh những địa phương đã thực hiện tốt, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn thừa nhận việc triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã ở một số địa phương còn chậm. Do đó, cơ quan này sẽ quyết liệt đôn đốc các địa phương hoàn thành đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong tháng 9-2024. Đây là yêu cầu quan trọng để địa phương ổn định, tổ chức Đại hội Đảng ở cơ sở năm 2025.

Bộ cũng khẳng định sẽ hướng dẫn để gỡ vướng trong quá trình sắp xếp, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC), người lao động dôi dư, xử lý tài sản công theo quy định.

1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật

Một nội dung quan trọng khác, theo Bộ Nội vụ, cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2023; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để trình Bộ Chính trị cho phép điều chuyển, bổ sung biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Nội vụ đánh giá các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sáu tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 3.853 người; trong đó bộ, ngành 107 người, địa phương 3.746 người.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhìn nhận việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đạt “kết quả hạn chế”. Do đó, số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó giảm 10% theo Nghị quyết của Trung ương và quyết định giao của Bộ Chính trị.

13.965

là số công chức, viên chức được tuyển dụng trong sáu tháng năm 2024. Trong đó bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức.

Ngoài ra có 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng được tuyển dụng theo Nghị định 140/2017 để bổ sung vào đội ngũ CBCC-VC của cả nước.

Cũng theo Bộ Nội vụ, sáu tháng đầu năm 2024, cả nước có 1.338 CBCC-VC bị kỷ luật, trong đó cán bộ có 139 người, công chức 432 người, viên chức 767 người.

Dù vậy, Bộ Nội vụ cho rằng vẫn còn tình trạng CBCC-VC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, né tránh trách nhiệm... Điều này dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc và kỷ cương, kỷ luật hành chính của một số CBCC-VC chưa cao; có lối sống, đạo đức chưa chuẩn mực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Đó là chưa kể một số người có biểu hiện, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp… trong thực thi công vụ.

Bộ Nội vụ khẳng định thời gian tới sẽ đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả, thực tài để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của CBCC-VC trong thực thi công vụ.

Giảm 10 tổ chức tại cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh

Về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, số lượng tổ chức bên trong bộ máy hành chính nhà nước tương đối ổn định, các bộ, cơ quan ngang bộ không có biến động về số lượng tổng cục, vụ, cục và tương đương.

Sở Nội vụ các tỉnh, TP đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đã giảm 10 tổ chức (chi cục, phòng và tương đương) của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, hiện còn 7.117 tổ chức.

Ngoài ra, đã giảm tám tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, hiện còn 6.983 tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ

*****

Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường; 3 huyện xây dựng đề án lên quận

Trong tham luận gửi tới hội nghị, Sở Nội vụ TP Hà Nội cho hay theo tiêu chí về diện tích, dân số, thủ đô có 173 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp.

Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC của Hà Nội đã được HĐND TP thông qua dự kiến tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã. Phương án sắp xếp của Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường; ba huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng xây dựng đề án lên quận.

Như vậy, Hà Nội là địa phương có số lượng sắp xếp ĐVHC nhiều nhất cả nước giai đoạn 2023-2025. “Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã ở Hà Nội không chỉ ảnh hưởng, tác động đến hệ thống chính trị và nhân dân thủ đô mà còn tác động đến an ninh chính trị, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…” - Sở Nội vụ TP Hà Nội đánh giá.

Nêu kinh nghiệm, cơ quan này nhìn nhận phương án đặt tên ĐVHC mới sau sắp xếp là nội dung được nhân dân rất quan tâm. Bởi việc này có liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào của cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.

Từ nhận định trên, TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng nguyên tắc đặt tên cho ĐVHC mới theo thứ tự ưu tiên về tên gọi gồm địa danh có yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời; địa danh cũ; có chung đặc điểm về văn hóa. Nếu không có các yếu tố trên thì ghép tên các ĐVHC cũ nhưng tên gọi mới phải đảm bảo các giá trị ngôn ngữ, có ý nghĩa và đặc điểm của địa bàn.

Sở Nội vụ TP Hà Nội cũng cho biết TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp.

Cụ thể, dựa trên năng lực của CBCC-VC, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp huyện, ở địa phương khác trong TP theo yêu cầu nhiệm vụ. TP cũng sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện…

Ngoài ra, HĐND TP cũng đã ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với CBCC-VC, người hoạt động không chuyên trách nghỉ công tác khi sắp xếp ĐVHC.

-----

TP.HCM mạnh dạn đột phá các quy định về đãi ngộ nhân tài

Trong khi đó, Sở Nội vụ TP.HCM cho hay TP đã có nhiều chính sách mới nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Đáng chú ý, cá nhân được ký hợp đồng theo nhiệm vụ, công trình cụ thể và hưởng trợ cấp ban đầu tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Chuyên gia, nhà khoa học có lương hằng tháng theo Bảng lương chuyên gia từ 30 đến 100 triệu đồng, khi hoàn thành nhiệm vụ (có công trình, sản phẩm khoa học hoặc thành tích đặc biệt) được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỉ lệ 5% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình, sản phẩm khoa học. Người có tài năng đặc biệt được thưởng theo công trạng, thành tích với mức tối đa 1 tỉ đồng/người...

tuyen-dung-dinh-vien-xuat-sac.jpg
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM, Sở GD&ĐT, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP trao các quyết định cho thí sinh trúng tuyển hồi tháng 1-2024. Ảnh: N.THU

Đối với chính sách tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao, ngoài mức lương và phụ cấp được hưởng theo quy định, TP hỗ trợ thêm thu nhập theo trình độ (2-4 lần mức lương tối thiểu vùng/tháng) và theo sản phẩm đầu ra với mức khuyến khích, phát huy năng lực cho cá nhân thực hiện bằng 1% (cho nhóm thực hiện bằng 5%) tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho công trình đã được phê duyệt…

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, chính sách này có nội dung hoàn toàn mới, được áp dụng lần đầu tiên tại TP theo cơ chế đặc thù, phạm vi không chỉ giới hạn ở đối tượng tuyển mới và còn dành cho CBCC-VC đang làm việc nhằm tạo động lực, giữ chân nhân tài, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”.

Đến nay, TP.HCM đã phê duyệt kết quả thu hút 10 chuyên gia, nhà khoa học, trong đó đã ký hợp đồng với 8/10 trường hợp.

Trong năm 2023, UBND TP cũng đã tổ chức tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, kết quả có ba viên chức được tuyển vào làm việc tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm