Từ 500 giường rồi lên 750 giường nhưng vẫn quá tải, mà thời gian chỉ mới một năm rưỡi. Quá tải đối với một BV tư nhân dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Lãnh đạo BV vì vậy quyết định đầu tư thêm một khu y tế kỹ thuật cao 500 giường nữa để phục vụ bà con.
Ở BV Đa khoa Xuyên Á từ ngày đầu cách đây một năm rưỡi, BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc BV này, cam kết trên báo chí và thực hiện đúng như vậy: BV tư nhưng giá nhà nước, thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ của BV nhà nước. Một lần khám bệnh giá 20.000 đồng, không phân biệt bệnh nhân có thẻ hay không có thẻ BHYT; không phân biệt giàu, nghèo. Chụp X-quang kỹ thuật số 60.000 đồng, siêu âm màu giá 90.000 đồng, siêu âm tim 150.000 đồng. Ông Châu nói ngoài tiền khám thấp như vậy thì các loại giá kia cũng chỉ bằng giá BV nhà nước và ông cũng hứa là sẽ giữ giá này chứ không có tăng theo giá xăng dầu, điện, nước…
Khu vực tiếp nhận bệnh nhân tại BV đa khoa Xuyên Á
Ở BV Xuyên Á, nhân viên không thay đổi phong cách, thái độ như xem bệnh nhân là khách hàng vì nó giống “mua-bán” mà gọi bệnh nhân bằng hai từ rất gần gũi, thân thương: Bà con!
Mà cũng đúng, BS Châu đi xuống dưới khu khám bệnh, ít bệnh nhân nào mà không biết mặt ông và ông xem bệnh nhân như người nhà nên ông gọi họ là bà con cũng phải.
Từ BV Đa khoa Xuyên Á nghĩ đến cách tổ chức khám, chữa bệnh, thu tiền ở các BV công lập cũng như tư nhân hiện nay thấy có sự chênh nhau khá xa về cái tầm và cái tâm trong đầu tư y tế phục vụ sức khỏe nhân dân. Tại sao một BV tư nhân lại quá tải mà một số BV công thì không? Câu hỏi này phải dành cho các nhà quản lý các BV công mới đúng.
BV hạng 1 đầu ngành hiện nay ở TP.HCM có cả chục cái nhưng có BV công suất giường bệnh còn chưa đạt 100%, một số BV phải kêu gào để người dân mua BHYT vì bệnh khám đến giữa trưa đã hết. Còn BV hạng 2 (tuyến quận/huyện) thì đa số công suất giường bệnh tầm 80% (cũng cá biệt có một vài BV vượt công suất 100%). Bệnh nhân thì sáng đông, chiều lưa thưa, họ làm đủ mọi cách như vệ tinh cho tuyến trên, bác sĩ ở tuyến trên về khám, chữa bệnh tại chỗ. Thế mà bệnh nhân cũng chẳng đến nhiều dù BV xem bệnh nhân là “khách hàng” rồi? Căn bản là bệnh nhân chưa tin tay nghề của các y, bác sĩ BV này cũng như ngán cái thái độ của các “từ mẫu”.
Còn BV tư nhân hiện nay thì mọc lên như nấm, đầu tư rất cao. Bác sĩ thuộc tầm chuyên gia lâu năm, kinh nghiệm hàng đầu về hợp đồng, hợp tác… thế mà bệnh nhân chẳng thèm đến, nhiều nơi nợ lương nhân viên, có nơi chào bán BV. Nhiều BV áp dụng hợp tác công tư, lấy uy tín BV công gán vào BV tư, tận dụng kỹ thuật cao của BV tư để khám, chữa bệnh ở BV công. Thế mà bệnh nhân chẳng chịu đến. Căn bản là giá ở những BV này quá cao, cái gì cũng quy ra tiền và tận thu để bù chi phí đầu tư thì đố bệnh nhân nào dám chui đầu vào để bị “chém”. Thậm chí có nơi sau khi bệnh nhân khánh kiệt hoặc nặng quá làm không nổi thì đẩy họ qua BV công cho khỏe.
Đầu tư y tế ngoài vốn, tầm nhìn, y, bác sĩ chất lượng cao thì điều quan trọng không kém là cái tâm của người đầu tư là vậy!