Hãng tin Vox hồi đầu tháng 10 thống kê trong khi tại Iraq còn khoảng 10.000 nhân sự Mỹ thì ở phía bên kia biên giới trên đất Syria, Mỹ cũng còn khoảng 1.000 quân mang nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng mà nước này chống lưng. Thượng tá Ryan Dillon, người phát ngôn chiến dịch đánh IS, thì nói con số này chỉ là 600 người.
Mỹ và lực lượng Dân chủ Syria (SDF - liên quân chủ yếu gồm các tay súng người Kurd và người Ả Rập Sunni) đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khỏi Raqqa từ tuần trước. Việc Mỹ và SDF hoàn tất tái chiếm TP Albukamal (tỉnh Deir el-Zour), căn cứ cuối cùng của IS ở Syria sát biên giới Iraq, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Asia Times dẫn dự đoán của nhiều nhà quan sát rằng đến cuối năm nay Syria sẽ không còn bóng dáng IS. Đây là một chiến thắng quan trọng của Mỹ và liên quân trong suốt ba năm thực hiện chiến dịch nhổ tận gốc do Tổng thống Mỹ Barack Obama phát động năm 2014. Kết quả này thoạt nhìn có vẻ là thành công của Mỹ nhưng thực ra lại mở ra thách thức lớn hơn Washington dự tính. Đến giờ Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có thông báo chính thức nào về thành công này.
Lo sợ hành lang của Iran
Theo Los Angeles Times, với Mỹ cuộc chiến đánh IS không còn là trọng tâm chính. Nhậm chức đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump khoanh vùng ba mục tiêu ở Syria: Tiêu diệt IS, tăng lực cho người Kurd và loại Iran khỏi Syria. Hai mục tiêu đầu gần như đã đạt được, Mỹ giờ dồn chú ý vào Iran.
Chính phủ Mỹ mới đây đã tuyên bố mục tiêu lần này trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là Iran. “Iran vẫn là nước đứng đầu thế giới về tài trợ khủng bố. Càng bỏ qua đe dọa này nó càng nguy hiểm” - Tổng thống Trump nói ngày 13-10 và cho biết Mỹ sẽ tăng các nỗ lực chính trị, kinh tế, quân sự để ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng.
Trao đổi với báo chí ngày 20-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Mỹ sẽ không thay đổi chủ trương ở Iraq và Syria từ chống IS sang chống Iran. Tuy nhiên, tuyên bố này không thay đổi được suy nghĩ của thành phần ủng hộ Syria và Iran. Các lực lượng Shi’ite cho rằng Mỹ can thiệp vào Syria nhằm chống Tổng thống Bashar al-Assad, loại bỏ ảnh hưởng của Nga và cô lập Iran ở Trung Đông. Nga đã từng lên tiếng cáo buộc Mỹ chỉ giả vờ đánh IS ở Syria cũng như Iraq.
Hai quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm của Mỹ (được điều động đến Syria cố vấn cho SDF) bị chụp ảnh ở phía Bắc Syria tháng 5-2016. Ảnh: AFP
Các tay súng SDF bên ngoài tỉnh Deir el-Zour. Ảnh: CNN
Các tay súng SDF tại Raqqa sau khi đánh bật IS. Ảnh: REUTERS
Ảnh hưởng của Iran tại Syria ngày một rõ rệt. Tổng thống Assad dựa rất nhiều vào hỗ trợ quân sự và kinh tế của Iran. Bên ngoài quân đội chính phủ Syria còn có một lực lượng đáng kể các nhóm vũ trang thân Iran tham gia bảo vệ vị thế của Tổng thống Assad trong nội chiến. Từ cuối năm 2016, khi phe đối lập thất thủ ở Aleppo, quân chính phủ và lực lượng thân Iran đang thắng thế, kiểm soát phần lớn Tây Syria. Với đà sụp đổ của IS, các lực lượng này đang tiến về phía Đông Syria. Tuần trước, họ đã vào thị trấn al-Mayadeen, Đông Nam Raqqa, nơi SDF từng hy vọng sẽ kiểm soát. Al-Mayadeen vừa là điểm giao với biên giới Iraq lại vừa gần một mỏ dầu khí lớn nhất Syria.
Nói như cựu quan chức ngoại giao Mỹ Frederic C. Hof, hiện là giám đốc Trung tâm Rafik Hariri nghiên cứu Trung Đông thuộc Hội đồng Atlantic (Mỹ), Mỹ phải ở lại Syria nếu thật sự muốn kiềm chế Iran. Đó là chưa kể rủi ro IS quay trở lại.
Không còn IS, Mỹ gặp khó
Theo bình luận của Asian Times, vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có những bước đi gì để đạt được mục tiêu trụ lại Syria. Đầu tháng này, Nhà Trắng công bố “chiến lược mới về Iran”, tuy nhiên tài liệu bốn trang này không nêu rõ ràng bước đi sắp tới. Thời điểm này Mỹ đối mặt với thế khó xử: Tiếp tục cung cấp vũ khí, huấn luyện, hỗ trợ không kích cho SDF thì sẽ dẫn đến xung đột với các lực lượng Syria đang được cả Iran và Nga bảo trợ. Yếu tố người Kurd trong SDF cũng làm tăng nguy cơ đối đầu.
Viễn cảnh này ngày một rõ rệt. Sau chiến thắng Raqqa, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tính toán cho quân Mỹ tiến vào sâu hơn tại Syria. Trong một cuộc họp báo gần đây, Thượng tá Ryan Dillon, người phát ngôn chiến dịch đánh IS, cho biết liên quân đang bàn với SDF tiếp tục tiến về các khu vực IS kiểm soát dọc sông Euphrates. Điều này sẽ đưa Mỹ và SDF tiến đến tỉnh Deir el-Zour, điểm nóng nhất Syria hiện nay. Nơi này đang diễn ra cuộc tranh giành từng tấc đất giữa một bên là liên quân gồm quân chính phủ Syria, không lực Nga và dân quân người Shi’ite thân Iran và bên kia là IS và lực lượng quân đội Syria tự do (FSA - lực lượng đối lập chính phủ Syria). Vài tháng qua, không lực Mỹ đã nhiều lần đụng độ với quân ủng hộ ông Assad. Tháng 6 vừa rồi, Mỹ bắn rơi một máy bay không người lái và một máy bay chiến đấu Su-22 của Syria đang tiến về khu vực SDF bám trụ.
Mỹ cũng cần phải quyết định có nên duy trì hiện diện quân sự tại Syria. Rút về đồng nghĩa bỏ rơi SDF, lực lượng Mỹ đã bỏ công ủng hộ thành lập, cung cấp vũ khí và huấn luyện. Rút về cũng có nghĩa Mỹ không còn biện pháp giúp kiềm chế các lực lượng Syria và Iran chiếm lại các lãnh thổ SDF đang kiểm soát. SDF gần đây đã nói rõ hy vọng Mỹ ở lại Syria càng lâu càng tốt. Trước mắt, Thượng tá Ryan Dillon nói hơn 600 binh sĩ Mỹ đang huấn luyện và hỗ trợ SDF sẽ không ở lại Syria “vĩnh viễn” nhưng trước mắt “vẫn còn trận đánh phải giải quyết”. Thế nhưng Mỹ cũng không muốn đi ngược lại lời nói của mình, từng tuyên bố cố vấn quân sự được triển khai nhằm huấn luyện SDF đánh IS chứ không phải tham gia vào cuộc nội chiến.
Nguy cơ sa lầy
Sau thời gian đầu phản đối chiến dịch nhổ tận gốc “không hợp pháp”, ông Assad cũng dần ngầm đồng ý cho Mỹ ở lại đánh IS. Lần này cũng tương tự, thái độ của chính phủ Syria về chuyện Mỹ ở hay đi khá hờ hững. Mỹ có thể để quân ở lại, cùng với rủi ro vướng vào nội chiến Syria. Hoặc Mỹ có thể kéo quân về, đồng nghĩa để mặc Iran tăng ảnh hưởng, điều ông Trump tuyên bố không thể để xảy ra.
Theo Los Angeles Times, dự đoán dễ nhìn thấy nhất là Mỹ tới đây sẽ bị sa lầy ở Syria và mất phương hướng. Đây là điều Mỹ đã trải qua ở Iraq sau thành công quân sự bước đầu, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2013. Không phải vô lý mà nhiều quan chức quân đội Mỹ đã viện tới một cụm từ đầy cay đắng để mô tả chiến thắng của Mỹ trước IS tại Syria, là “thành công thảm họa”, theo Los Angeles Times. Ông James F. Jeffrey, nhà ngoại giao cấp cao thời chính phủ George W. Bush, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Trung Đông Washington, đề xuất bước đi khả dĩ cho Mỹ là củng cố liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Israel và các nước khu vực khác ủng hộ SDF, kiềm chế Iran.
Chính phủ Mỹ cũng đang gặp khó tại Quốc hội. Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain tuyên bố hoãn điều trần xác nhận hàng loạt vị trí trong Bộ Quốc phòng đến chừng nào ông Mattis có chiến lược rõ hơn về Iraq và Afghanistan. Khả năng Quốc hội cũng sẽ không dễ dãi với chiến lược của Mỹ ở Syria hậu tái chiếm Raqqa. Nghị sĩ McCain mới đây lên tiếng lo ngại việc Mỹ không có chiến lược rõ ràng ở Syria. “Lâu nay Mỹ tiếp cận Trung Đông thông qua con đường hẹp chống khủng bố. Chúng ta cần có một chiến lược toàn diện, tính toán đến tất cả yếu tố khu vực, xác định rõ ràng quyền lợi của chúng ta, cũng như cách thức và phương tiện đạt được các mục đích. Vắng bóng một chiến lược như vậy là điều đáng buồn sâu sắc dù chúng ta có ăn mừng thành công quan trọng này” - ông McCain tuyên bố sau thông tin tái chiếm Raqqa. |