Sáng 25-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan để giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn.
Theo báo cáo, toàn tỉnh có 63 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu 67). Trong đó, 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, hai tàu compotsite. Đáng chú ý có 6/63 tàu không hoạt động hoặc mất do thiên tai, tai nạn và nằm bờ.
Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TN
Đối với 57 tàu đóng mới còn lại, trong quá trình sản xuất, một số tàu có doanh thu kém, chủ tàu thực hiện cải hoán nghề khai thác để nâng cao thu nhập. Ngoài ra còn một số tàu hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng nên không trả được nợ theo cam kết là 550,2 tỉ đồng.
Đối với những ngư dân khai thác có hiệu quả nhưng cố tình không trả nợ cho ngân hàng, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương các ngân hàng thương mại tiến hành khởi kiện.
Đối với tàu hoạt động khai thác thường xuyên không hiệu quả, không còn tha thiết đi biển và có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu cho người khác. Việc chuyển nhượng lại tàu cá cho chủ sở hữu mới bị vướng Điều 1 Thông tư 12/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chuyển nhượng chủ sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu mới phải nhận toàn bộ khoản nợ từ chủ sở hữu cũ bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao.
Bên cạnh đó, giá trị thực tế của các con tàu đã khai thác thấp hơn rất nhiều so với giá đóng mới do trang thiết bị xuống cấp. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu 67 hiện chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả của tàu đóng theo Nghị định 67, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành (Quảng Nam), cho hay huyện có hơn 40 tàu 67 hoạt động. Năng suất khai thác phụ thuộc vào từng loại hình đánh bắt, nhiều tàu khai thác kém hiệu quả chủ động đổi hình thức khai thác.
Về giải pháp chuyển nhượng, ông Sơn nêu ý kiến: “Việc chuyển nhượng gặp rất nhiều khó khăn, người nhận lại tàu phải nhận cả nợ gốc, lãi nên không ai dám. Giá trị con tàu đã khác, chúng ta cần khoanh nợ lại rồi định giá giá trị con tàu mới có người nhận”.
Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TN
Ngoài ra, ông Sơn cho hay một giải pháp khá mới lạ tại huyện Núi Thành là ngư dân chủ động thuê tàu này của một số ngư dân hoạt động kém hiệu quả ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng về khai thác.
Kết thúc buổi họp, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu chính quyền địa phương (huyện, xã) phải đồng hành, ngân hàng phải chia sẻ với ngư dân để giải quyết các vướng mắc.
Ông Tùng đồng tình với ý kiến các ngân hàng khởi kiện ngư dân có biểu hiện chây ì, trốn nợ trong khi làm ăn hiệu quả. “Tuy nhiên, không nên làm tràn lan. Những trường hợp họ xoay xở mọi cách nhưng không có khả năng cần phải thận trọng” - ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cho hay nên chú tâm vào giải pháp tạo điều kiện cho ngư dân thuê tàu lẫn nhau. “Hình thức cho thuê là cần thiết. Tuy nhiên, thuê như thế nào cho đúng, ngân hàng cho vay không thể đứng ngoài cuộc trong việc chuyển từ ông này sang ông khác. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngân hàng hướng dẫn cho ngân hàng giám sát việc này. Được phép cho thuê và thủ tục về cho thuê chứ không nên cấm đoán” - ông Tùng nói.
Được biết tổng nợ xấu trong hoạt động tín dụng của tàu đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 215 tỉ đồng. Chiếm khoảng 60% tổng nợ xấu của toàn tỉnh (khoảng 400 tỉ đồng).