Trên tinh thần hưởng ứng lời kêu gọi chung tay góp sức của mọi cá nhân, tổ chức trên mọi miền Tổ quốc hướng về miền Nam thân yêu với phương châm “Ai có gì góp nấy”, trường THPT Trần Kỳ Phong kêu gọi cán bộ giáo viên – nhân viên, học sinh và cựu học sinh trường cùng góp sức nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người dân TP.HCM, giúp người dân vượt qua đại dịch.
Thầy Nguyễn Phiêu, Hiệu trưởng trường THPT Trần Kỳ Phong, cho biết: “Các cán bộ giáo viên – nhân viên và cựu học sinh đã hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình dự án thiện nguyện kêu gọi quyên góp của nhà trường. Đặc biệt, vì đang trong thời gian nghỉ hè nên các thầy cô giáo khó tiếp cận để kêu gọi được nhiều những sự đóng góp của học sinh. Tuy nhiên, khi biết đến chương trình kêu gọi quyên góp, nhiều học sinh đã hưởng ứng và chung tay ủng hộ”.
Các cô giáo vui vẻ đóng gói thực phẩm khô để gửi vào miền Nam. Ảnh:
NVCC
Cũng theo thầy Nguyễn Phiêu, sau một tuần kêu gọi, Công đoàn đã nhận được số tiền quyên góp là 31.541.000 đồng. “Công đoàn trường dùng số tiền quyên góp được để mua các lương thực, nhu yếu phẩm như cá cơm khô, cá chỉ vàng khô, rau mực, hành tỏi,... gửi vào cho bà con miền Nam đang khó khăn do dịch COVID-19. Các thầy cô mua những đồ khô như vậy với mục đích khi vận chuyển vào TP sẽ dễ dàng hơn, bảo quản được lâu và không sợ bị hư hỏng” – thầy Nguyễn Phiêu chia sẻ.
Lương thực được các thầy cô giáo đem đến điểm tiếp nhận của huyện. Ảnh:
NVCC
Cô Đặng Thị Miên Vỹ, Chủ tịch Công đoàn cũng chia sẻ: “Các thầy cô sau khi đã đóng gói lương thực thì sẽ bàn giao lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Đây là điểm tiếp nhận lương thực quyên góp của huyện, sau đó lương thực sẽ được đưa về điểm tiếp nhận của tỉnh và vận chuyển vào TP.HCM.
Đầu mối tại TP.HCM sẽ tiếp nhận lương thực và chịu trách nhiệm phân phát cho những người dân khó khăn do dịch COVID-19 (trong đó có những người con Quảng Ngãi, những cựu học sinh của trường đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP) – Cô Miên Vỹ nói thêm.
Được biết, có một cựu học sinh đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM khi biết
được thông tin kêu gọi cũng đã hưởng ứng và quyên góp cho quỹ từ thiện của nhà trường để mua lương thực gửi vào hỗ trợ người dân khó khăn tại TP.
Ngoài ra, thời gian gần đây, người dân Quảng Ngãi ở TP.HCM được đưa về địa
phương để cách ly khá đông. Một số thầy cô biết được các anh bộ đội chuẩn bị
những bữa ăn cho người dân trong khu cách ly khá vất vả nên đã rủ nhau tham gia phụ giúp.
Cô Phạm Thị Anh Hương, giáo viên Ngữ văn của trường, bộc bạch: “Ngày càng có nhiều thầy cô biết đến và đăng ký tham gia khá đông. Vì phải giới hạn số lượng người theo chỉ thị nhằm phòng chống dịch bệnh nên mỗi ngày chỉ được đăng ký 20 thầy cô tham gia phụ giúp nấu ăn. Dù đội hậu cần nấu ăn tại một điểm nằm ngoài khu cách ly nhưng các thầy cô đều chấp hành đeo khẩu trang, bao tay để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh”.
Theo như chia sẻ, các thầy cô giáo có mặt tại điểm nấu ăn từ sáng sớm để phụ giúp các chú bộ đội làm công tác hậu cần như nhặt rau củ quả, làm cá làm mực, xào nấu đồ ăn. Riêng nấu mấy trăm phần cơm bằng nồi to và bếp củi thì hơi khó, cần có kinh nghiệm nên các chú bộ đội sẽ phụ trách. Mỗi ngày đội hậu cần sẽ nấu khoảng 570 suất, chia làm ba lần nấu. Nấu xong, các thầy cô phân làm hai nhóm để phụ giúp chia cơm và chia đồ ăn ra hộp.
Các cô giáo phụ giúp nấu ăn cho người dân khu cách ly. Ảnh: NVCC
Cô Anh Hương còn vui vẻ chia sẻ thêm: “Đây là lần đầu tiên các thầy cô phụ giúp chuẩn bị nhiều suất ăn như vậy nên cũng gặp một số khó khăn như không có kinh nghiệm chia cơm sao cho đều và nhanh. Nếu chia xong mà các phần cơm chưa được đều lắm, các thầy cô sẽ chia lại một lần nữa để người dân trong khu cách ly ai cũng được no bụng. Nấu xong phần ăn trưa, các thầy cô cũng ở lại nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục nấu những phần ăn tối cho người dân đang cách ly tại khu”.
Ngoài thực hiện các hoạt động thiện nguyện như quyên góp mua lương thực hay phụ giúp nấu ăn trong khu cách ly kể trên, khi có công văn trưng dụng trường THPT Trần Kỳ Phong làm khu cách ly, giáo viên – nhân viên của trường đã cùng nhau dọn dẹp bàn ghế và sắp xếp tất cả để sẵn sàng bàn giao cho địa phương trong thời gian sắp tới.
Các cô giáo cũng gặp một số khó khăn trong việc chia đồ ăn vào hộp sao
cho đều và nhanh. Ảnh: NVCC
“Hy vọng trường sẽ là một trong những nơi cách ly tập trung an toàn để đón người dân đang khó khăn tại TP về cách ly tại quê nhà. Nếu đóng góp được những gì, về tinh thần hay vật chất thì các thầy cô cũng đều hết mình để chung tay cùng địa phương và cả nước đẩy lùi dịch bệnh” – Cô Anh Hương trải lòng.