Rà soát các quy định của BLDS 2005, có thể xác định chiếc xe taxi là nguồn nguy hiểm cao độ (khoản 1 Điều 623). Do vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào quy định tại Điều 623 BLDS 2005. Theo đó, “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật”.
Theo tình huống, anh T. để quên chìa khóa trên xe, không khóa cửa xe nên đã có lỗi trong việc bảo quản, trông giữ nguồn nguy hiểm cao độ để cho anh H. lấy xe “dợt” vài vòng và quên gài thắng tay khi rời xe khiến thiệt hại xảy ra cho anh N. Do vậy, anh T. có phần trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho anh N.
Về phần anh H., việc anh H. tự ý lấy xe “dợt” vài vòng rồi quên gài thắng tay khiến xe chạy lùi gây thiệt hại cũng đã xác định rõ trách nhiệm bồi thường của mình theo quy định tại khoản 4 Điều 623: “Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại”.
Ảnh minh họa: HTD
Cạnh đó, tình huống đưa ra anh T. là lái xe cho hãng taxi Z nên theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005, hãng taxi Z phải đứng ra bồi thường thiệt hại do anh T. gây ra và có quyền yêu cầu anh T. phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 623 cũng quy định: “Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường”. Đây chính là “ổ khóa” của tình huống kỳ 16, bởi việc xác định nội dung “đã giao cho người khác” sẽ giúp chúng ta xác định được người phải liên đới với anh H. bồi thường cho anh N.
Căn cứ vào điểm đ tiểu mục 2 Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn, nếu A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B và B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
Nếu B chỉ được thuê lái xe và được trả tiền công thì A vẫn được xác định là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe ô tô, do đó A phải bồi thường thiệt hại.
Nếu B được A giao xe thông qua hợp đồng thuê tài sản thì B được xác định là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe ô tô và B phải bồi thường thiệt hại.
Đối chiếu lại tình huống kỳ 16, chúng ta có thể xác định được anh T. không được chủ hãng taxi giao xe thông qua hợp đồng thuê tài sản. Do vậy, hãng taxi Z sẽ là người đứng ra liên đới cùng với anh H. bồi thường cho anh N. và theo quy định tại Điều 618 BLDS 2005, hãng taxi Z có quyền yêu cầu anh T. hoàn trả lại một khoản tiền theo quy định.
Từ những phân tích trên, đáp án của tình huống kỳ 16 là: Hãng taxi Z và anh H. liên đới bồi thường cho anh N., sau đó hãng taxi Z có quyền yêu cầu anh T. hoàn trả một khoản tiền theo quy định. Xin kính mời quý bạn đọc xem clip đáp án tại: http://plo.vn/a-ra-the.html.
À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, mời bạn đọc tiếp tục tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.
Con số may mắn kỳ 16 sẽ được công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư 16-11 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng hồi hộp chờ xem!