Quốc hội: “Nóng” việc tăng lương, nhân viên y tế, giáo viên nghỉ việc

(PLO)- Bên cạnh đề xuất tăng lương vào ngày 1-1-2023, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân và giải pháp cho việc gần 40.000 người ở khu vực công nghỉ việc, đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp cho tình trạng cán bộ “làm cầm chừng, không dám đột phá”.

Cần tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023

Theo các ĐBQH, nguyên nhân công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư là do thu nhập thấp, môi trường làm việc, áp lực công việc… “Ví dụ ở BV Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện thì y bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày một bác sĩ có thể khám vài chục thậm chí cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực” - ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn chứng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) và đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nêu nhiều vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: V.LONG

Theo bà, nhiều bác sĩ cho biết do thường xuyên làm việc quá tải nên chỉ đủ sức quan tâm đến tìm hiểu căn bệnh, trong khi đáng lẽ bác sĩ cần có thời gian để lắng nghe, tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân. Rồi khi dịch bệnh đến, y tế xã/phường vừa phải đảm trách nhiệm vụ của 19 chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vaccine, trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Tranh luận về giáo viên nghỉ việc

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tính toán sơ bộ mỗi năm giáo viên rời khỏi khu vực công khoảng 0,5%, tức 200 giáo viên thì có một người rời khu vực công. “Hiện chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Tôi cho rằng việc giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất là bình thường và đều phục vụ nhân dân cả…” - ông Giang nhận định.

Tranh luận lại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa dẫn thông tin Cục Nhà giáo cho rằng số giáo viên nghỉ việc là hơn 16.000 người và hoàn toàn chuyển khỏi ngành giáo viên.

“Giám sát của chúng tôi cho thấy số giáo viên trường công chuyển sang tư rất ít. Đây là hiện tượng không bình thường và không chỉ là vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, mà số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới chương trình phổ thông, cần rất nhiều giáo viên…” - ĐB Hoa nói.

Từ đó, ĐB cho rằng sắp tới ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, ngành giáo dục cần quan tâm thêm đến việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi hiện tại giáo viên đang thiếu rất nhiều. Cùng với đó, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với QH giải quyết ngay.

Cùng nhận định trên, ĐB Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang) cho rằng cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân. Trước mắt, đề xuất QH, Chính phủ nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt.

“Đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1-1-2023, thay vì 1-7-2023 như phương án Chính phủ trình…” - ĐB Thái Thu Xương nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nhận định việc tăng lương vào đầu năm 2023 là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu.

Nhìn xa hơn, ông Thái cho rằng tăng lương là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Đẩy nhanh chính sách cải cách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, lẽ ra nếu không phải quay quắt để chống dịch thì đã được thực hiện từ năm 2021.

Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, theo ông Thái, chưa đáp ứng được nhu cầu sống của người làm công ăn lương. Chính phủ đề xuất chưa cải cách tiền lương trong năm 2023. Ông Thái giả định nếu năm 2023 đất nước phát triển… thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.

“Đây là thông tin cử tri quan tâm” - ông Thái nói và cho hay - “Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình cải cách tiền lương và rất trông mong đề án này sớm được thực hiện”. Bởi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng là quý ở thời điểm hiện tại nhưng chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và khu vực tư, lương khu vực Nhà nước và khu vực thị trường.

Bên cạnh tăng lương, các ĐB cho rằng cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.

Cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong năm tới, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị QH, Chính phủ giải quyết có hiệu quả vấn đề bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý. “Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” - ĐB Thông nêu.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên rất nhiều nhưng theo ông, có hai nguyên nhân chính: Một là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Chẳng hạn khi triển khai một vấn đề, nếu áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì lại sai; áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau khi kiểm tra thời điểm khác lại sai…

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH tháng 3-2022 với bộ trưởng Bộ TN&MT liên quan tới đấu giá đất, bộ trưởng Bộ Tài chính có phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo Quy định 44, Thông tư 36 của Bộ TN&MT là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.

“Tuy nhiên, tới nay các quy định trên vẫn chưa được sửa và thực tế ở rất nhiều địa phương có rất nhiều dự án lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu như Chính phủ không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành…” - ĐB lập luận.

ĐB Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng hiện cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung được Bộ Chính trị ban hành. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật, cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, nên có tình trạng “làm cầm chừng, không dám đột phá”.

Đồng ý với nhận định của ĐB Thông là hiện nay một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh công việc, tuy nhiên ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng nói vướng mắc do chính sách, pháp luật là “chưa đủ”.

Theo nghiên cứu của ông, cái chính hiện nay là do con người, đặc biệt ở khâu tổ chức thực hiện mà cụ thể ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

“Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi có hỏi thì thấy có ba thành phần thế này. Thứ nhất, với cán bộ có năng lực hạn chế thì đúng là có tình trạng sợ không dám làm. Thứ hai, đối với cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng ý thức, tinh thần còn hạn chế. Tôi nói không phải tất cả nhưng có chuyện nghe ngóng, né tránh. Điều đó là có…

Đối tượng thứ ba là khi tôi đặt câu hỏi tại sao Luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ năm 2013, tại sao trong suốt quá trình ấy không thấy vướng mắc như bây giờ và làm bằng cách nào?

Một số người trả lời rất thẳng thắn rằng bây giờ không muốn làm, không dám làm vì trước làm không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm. Cho nên bây giờ làm đúng thì sẽ phát sinh những vấn đề trước đây đã làm. Chính vì vậy giờ làm cầm chừng, hạn chế và không dám làm…” - ĐB Hạ dẫn chứng.

Vì vậy, ông Hạ đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt. Bởi hiện nay có tình trạng Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày họp đêm, “trong khi đó ở dưới thì như thế”. Với tư tưởng này thì cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng đến công tác phục vụ nhân dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới