Căng thẳng ở Afghanistan tạo khả năng hồi sinh Liên minh phương Bắc

Trước sự trỗi dậy của Taliban sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, giới quan sát chính sách của Ấn Độ cho rằng Liên minh phương Bắc - một mặt trận quân sự chống Taliban do dân tộc Tajik và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Afghanistan lãnh đạo - có thể được hồi sinh, sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar có chuyến thăm Iran và Nga hồi tuần trước, tờ South China Morning Post đưa tin.

Sự hồi sinh là "có thể về mặt lý thuyết"

Liên minh này đã nhận được sự hỗ trợ của Nga, Iran và Ấn Độ sau khi thành lập vào năm 1996. Liên minh đã tan rã vào năm 2001 sau khi chính quyền Karzai được thành lập và nắm quyền kiểm soát Kabul.

Hôm 13-7, ông Jaishankar và Ngoại trưởng của bảy quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã gặp nhau tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Tajikistan. Tại hội nghị, ông nhấn mạnh rằng việc đối đầu với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố phải là mục đích chính của SCO. 

Lực lượng an ninh Afghanistan tại một trạm kiểm soát gần biên giới Spin Boldak, Afghanistan với Pakistan. Ảnh: EPA

Ông Alexey Kupriyanov - chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho biết sự hồi sinh của Liên minh phương Bắc là "có thể về mặt lý thuyết".

Ông nói thêm rằng việc hồi sinh Liên minh cần những nhà lãnh đạo có uy tín và sự ủng hộ của các nhóm dân tộc thiểu số như Tajiks, Uzbek, Hazaras, và cả những người Pashtun không hài lòng với Taliban. Tuy nhiên, theo ông Kupriyanov, hiện nhiều người Afghanistan coi việc Taliban thay thế chính phủ tham nhũng ở Kabul là có thể chấp nhận được.

Ông Nandan Unnikrishnan - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (ORF) ở New Delhi, Ấn Độ - cho biết tình hình trên thực tế ngày nay khác hẳn so với những năm 1990.

Ông nói, Taliban đang nỗ lực cắt đứt mọi cơ hội nhận hỗ trợ nước ngoài của phe đối lập bằng cách giành quyền kiểm soát tại khu vực biên giới. Sau khi Mỹ rút quân, Taliban tuyên bố đã giành quyền kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.

Mối lo của Ấn Độ

Theo SCMP, mối quan tâm hàng đầu của chính quyền New Delhi hiện nay là việc Afghanistan sẽ trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Ấn Độ do Pakistan hậu thuẫn.

Năm 1999, khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, Ấn Độ buộc phải trả tự do cho phần tử cực đoan người Pakistan Masood Azhar để đổi lấy hành khách của một chiếc máy bay Ấn Độ bị cướp khi đang bay đến miền nam Afghanistan. Azhar sau đó thành lập tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed ở Pakistan.

Tại cuộc họp ở Tashkent hôm 16-7, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chỉ trích Pakistan vì đã không ngăn chặn những kẻ khủng bố tràn vào Afghanistan cũng như đã không thuyết phục được Taliban ủng hộ hòa bình.

Mối quan tâm ngày càng tăng của Ấn Độ về tình hình an ninh ở Afghanistan đã khiến nước này phải sơ tán hầu hết nhân viên khỏi lãnh sự quán của họ ở TP Kandahar, Afghanistan.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao nước này cũng đang tranh luận về việc liệu New Delhi có nên tiến hành giao ước với Taliban hay không. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Afghanistan Amar Sinha ủng hộ việc New Delhi tiến hành giao ước với Taliban.

Ông Unnikrishnan nói rằng Ấn Độ nên mở một kênh liên lạc với Taliban, vì rất có thể nhóm này sẽ kiểm soát hầu hết Afghanistan.

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho biết lập trường của New Delhi chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan “sẽ mất đi tính hợp lý nếu Ấn Độ hợp pháp hóa một nhóm Hồi giáo có tư tưởng thời trung cổ như Taliban”.

Ông Gautam Mukhopadhaya - một cựu đại sứ Ấn Độ khác tại Afghanistan - lại đưa ra một lưu ý tích cực hơn, nói rằng nhà nước Afghanistan sẽ không "biến mất".

Theo ông, người dân Afghanistan hiện coi Taliban như một lực lượng đàn áp. Theo đó, ông kêu gọi chính quyền New Delhi tiếp tục với hướng tiếp cận ngoại giao của mình trong việc gây áp lực buộc Taliban tham gia các cuộc đàm phán nhằm mục đích ổn định chính trị.

Theo SCMP, kể từ năm 2001, Ấn Độ đã đầu tư hơn 3 tỉ USD cho Afghanistan. Nước này đã xây dựng các công trình công cộng ở Afghanistan và tham gia đào tạo đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế cũng như các quan chức Afghanistan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm