Châu Á: Phát tiền cho dân tiêu xài

Kể từ ngày 28-3, lệ phí cầu đường ở Nhật sẽ giảm còn 1.000 yen (179.000 đồng VN) vào ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ, trừ khu vực ngoại ô thủ đô Tokyo và TP Osaka.

Kích thích tiêu dùng nội địa

Đây là một biện pháp trong dự luật kích cầu tiêu dùng được Quốc hội Nhật thông qua ngày 4-3. Luật này cũng quy định sẽ phát tiền mặt cho dân với tổng số tiền 2.000 tỷ yen (358.000 tỷ đồng VN). Mỗi người dân sẽ nhận được 12.000 yen (hơn 2,1 triệu đồng VN). Riêng đối với trẻ em từ 18 tuổi trở xuống và người già từ 65 tuổi trở lên, mỗi người nhận được 20.000 yen (3,6 triệu đồng VN).

Các địa phương bắt đầu phát tiền cho dân từ ngày 5-3. Nhân dịp này, nhiều cửa hàng thời trang, siêu thị, công ty du lịch ở Nhật đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích người dân chi tiêu.

Dự kiến tiêu dùng nội địa sẽ tăng khoảng 0,1%. Tuy nhiên, theo các cuộc khảo sát ý kiến công chúng, khoản tiền nhà nước tặng này sẽ không giúp ích nhiều cho tiêu dùng vì đa số người dân sẽ gửi vào ngân hàng.

Tại Thái Lan, nhằm thúc đẩy ngành du lịch, ngày 4-3, Bộ Ngoại giao thông báo quyết định của chính phủ miễn thị thực du lịch cho công dân 42 nước kể từ ngày 5-3 đến 6-4 nếu đi du lịch Thái Lan trong một tháng. Nếu ở lại Thái Lan hai tháng, du khách vẫn phải làm thị thực nhưng được miễn chi phí thị thực.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva khẳng định từ cuối tháng 3 đến ngày 8-4, chính phủ sẽ phát séc trị giá 2.000 baht (970.000 đồng VN) cho mỗi công nhân làm việc cho công ty tư nhân có thu nhập dưới 15.000 baht (gần 7,3 triệu đồng VN) mỗi tháng. Kế hoạch này đã được thông qua từ đầu tháng 2.

Hỗ trợ gia đình nghèo

Tại Hàn Quốc, hồi đầu tháng 3, chính phủ thông báo sẽ phát tiền hỗ trợ cho một triệu hộ gia đình có thu nhập thấp. Nếu Quốc hội tán thành, người dân sẽ bắt đầu nhận tiền mặt từ tháng tới.

Theo chuẩn nghèo của Hàn Quốc, một hộ gia đình bốn người thu nhập mỗi tháng dưới 1,33 triệu won (gần 15 triệu đồng VN) được xem là có thu nhập thấp. Tiền hỗ trợ mỗi hộ từ 150.000 đến 200.000 won (từ 1,7 đến 2,2 triệu đồng VN) tùy theo nhân khẩu và tài sản trong gia đình.

Trước đó, Bộ Tài chính đã tính đến biện pháp phát phiếu mua hàng nhu yếu phẩm miễn phí cho hộ gia đình có thu nhập thấp, tuy nhiên sau đó hoãn kế hoạch vì lo ngại các hộ gia đình bán phiếu lấy tiền.

Bộ Tài chính đang cân nhắc tăng quỹ trợ cấp từ 58,3 tỷ won (653 tỷ đồng VN) lên 240 tỷ won (gần 2.700 tỷ đồng VN) cho các công ty duy trì số lượng lao động. Khoản trợ cấp này gồm chi phí trả lương và đào tạo nghề. Công nhân tạm thời chưa có việc làm sẽ được dự các khóa đào tạo lại nghề. Bộ Tài chính cũng sẽ miễn thuế cho các công ty áp dụng chế độ chia sẻ công việc (giảm lương công nhân để thuê thêm lao động).

Riêng ở Công ty đóng tàu Hyundai Heavy lớn nhất thế giới, ngày 5-3, ban giám đốc cho biết hai giám đốc điều hành sẽ không nhận 100% lương và các giám đốc điều hành khác sẽ không nhận 30%-50% lương. Từ tháng 7 năm ngoái, công ty chỉ thực hiện các đơn đặt hàng cũ chứ không ký được đơn đặt hàng mới nào.

Tại Malaysia, ngày 5-3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Kong Cho Ha đã trình ra Quốc hội thảo luận dự luật bổ sung chi tiêu ngân sách với gói kích thích kinh tế trị giá 2,7 tỷ USD. Gói kích cầu này sẽ được sử dụng cho các dự án phát triển, bảo vệ việc làm và tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp. Cộng với gói kích thích kinh tế 1,9 tỷ USD hồi cuối năm ngoái, tổng chi phí kích cầu của Malaysia đã lên đến 4,6 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại của Malaysia có thể lâm vào suy thoái trong năm nay và lo ngại gói kích cầu trên vẫn chưa đủ để ngăn chặn suy thoái. Tổ chức nghiên cứu doanh nghiệp AmResearch (Mỹ) ước tính Malaysia cần phải chi đến 11 tỷ USD kích cầu mới mong thoát khỏi khủng hoảng.

LÊ LINH (Theo JoongAng Daily, AP, Mainichi, Xinhua, Pattaya Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm