Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Đảng đối lập mở màn cuộc chiến pháp lý

Ngày 4-2, đảng Dân chủ (đối lập) thông báo sẽ yêu cầu Tòa án hiến pháp hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn ra trong bối cảnh đầy căng thẳng vào hôm 2-2.

Vừa biểu tình vừa kiện

Những người biểu tình bao vây văn phòng làm việc tạm thời của bà Yingluck ở Bộ Quốc phòng. Ảnh: BANGKOK POST 

Trao đổi với hãng tin Reuters, người phát ngôn của đảng Dân chủ cho biết sẽ gửi cho Tòa án hiến pháp hai đơn kiện.

Đơn kiện thứ nhất xác định bầu cử Quốc hội vừa qua đã vi phạm hiến pháp, đặc biệt là điều 68 có nội dung cấm các cá nhân phá hoại nền quân chủ lập hiến và tiếm quyền bằng các biện pháp vi hiến.

Đơn kiện thứ hai đề nghị giải tán đảng Puea Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Lý do vì tình trạng khẩn cấp được chính quyền ban bố hôm 21-1 ở Bangkok và một số khu vực (kéo dài trong 60 ngày) chỉ làm lợi cho đảng Puea Thai cầm quyền. Như vậy đây là biện pháp vi hiến và bầu cử không thể diễn ra tự do và công bằng.

Từ khi đảng Puea Thai chiến thắng trong bầu cử năm 2011, đây không phải lần đầu tiên đảng Dân chủ yêu cầu giải tán đảng Puea Thai. Tuy nhiên, Tòa án hiến pháp không đáp ứng yêu cầu này.

Đến nay tòa án chỉ giải tán hai đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin là đảng Thai Rak Thai (giải tán năm 2007) và Đảng vì quyền lực nhân dân (giải tán hồi tháng 12-2008). Tòa án cũng đã bắt buộc Thủ tướng Somchai Whongsawat (anh em vợ của cựu Thủ tướng Thaksin) rời bỏ chính quyền để sau đó Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva lên làm thủ tướng.

Nếu đảng Puea Thai bị giải tán thì Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cũng không tự động mất chức bởi đảng Puea Thai đã khôn ngoan không đưa tên bà vào danh sách lãnh đạo đảng.

Các chuyên gia nhận định không thể xem thường khả năng đảo chính bằng con đường pháp lý của đảng Dân chủ trong bối cảnh bà Yingluck đang bị Ủy ban chống tham nhũng điều tra về chương trình trợ cấp cho nông dân.

Biểu tình bao vây

Ngày 4-2, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul tuyên bố sẽ bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình chống chính phủ nếu họ tiếp tục dẫn người biểu tình bao vây văn phòng tạm thời của chính phủ đặt tại Bộ Quốc phòng trên đường Chaeng Watthana ở Bangkok.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cùng một số thành viên chính phủ đang làm việc tại đây.

Ông Surapong Tovichakchaikul cho biết những người biểu tình vi phạm quy định về tình trạng khẩn cấp khi tụ tập tại văn phòng này cũng sẽ bị bắt. Ông nhấn mạnh biểu tình nhằm mục đích thao túng cơ quan nhà nước thì không được coi là biểu tình ôn hòa. Ông cáo buộc một số thành viên Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) đã mang vũ khí trong cuộc biểu tình hôm 3-2.

Theo báo Bangkok Post, khoảng 500 người biểu tình đã bao vây văn phòng trên từ ngày 3-2. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục bao vây nếu chính phủ tạm quyền vẫn tiếp tục làm việc ở đó.

Ngày 4-2, bà Yingluck và các thành viên nội các vẫn vào văn phòng làm việc bất chấp những người biểu tình chặn cửa yêu cầu bà cùng các quan chức phải rời đi trong 15 phút. Chiều cùng ngày, một số quan chức chính phủ lái xe rời đi nhưng bà Yingluck vẫn ở lại.

Khoảng 5 giờ chiều, những người biểu tình quyết định rút. Sau đó, bà Yingluck bước ra khỏi văn phòng và đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với báo chí. Bà cho biết vẫn sẽ đến làm việc ở đây như thường lệ.

Ván bài cuối của bà Yingluck

Chuyên gia Pháp Bruno Jetin thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại ở Bangkok (Thái Lan) đã khẳng định trên đài RFI: Khủng hoảng chính trị kéo dài ba tháng qua ở Thái Lan chắc chắn sẽ không chấm dứt sau bầu cử Quốc hội ngày 2-2.

Theo ông Bruno Jetin, điều duy nhất có thể hy vọng sau bầu cử là khả năng chiến thắng của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra rất lớn, qua đó bà Yingluck sẽ khôi phục vị thế hợp pháp và khẳng định bà chính là hiện thân của chế độ dân chủ ở Thái Lan.

Cuộc bầu cử lần này là ván bài cuối cùng của bà Yingluck như bà đã từng tuyên bố hồi tháng 12-2013: “Tôi không thể nhượng bộ thêm nữa”. Dù vậy, nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi bà từ Tòa án hiến pháp cũng như Ủy ban chống tham nhũng.

Ngược lại, đảng cầm quyền đang chờ đợi phe đối lập mòn mỏi và quỵ ngã vì số người ủng hộ ngày càng giảm hoặc các nhân vật đầu tư tiền của cho phe đối lập ngừng đầu tư vì nhận thấy sẽ không thu được kết quả thắng lợi.

Báo Le Monde (Pháp) nhận định cho dù phe biểu tình chống chính phủ cản trở, bầu cử Quốc hội ngày 2-2 đã diễn ra tương đối ít va chạm, tuy nhiên cũng phải mất một thời gian mới có thể biết được kết quả bầu cử. Quốc hội mới sẽ không thể nhóm họp và chỉ định chính phủ mới nếu số đại biểu cần thiết không đạt được (95% số nghị sĩ có mặt).

 

Lần đầu tiên trong ba tháng biểu tình ở Thái Lan, Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đảo chính quân sự ở Thái Lan. Ngày 3-2 (giờ địa phương), khi được hỏi về khả năng quân đội Thái Lan can thiệp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki tuyên bố: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chắc chắn chúng tôi không muốn nhìn thấy đảo chính hay bạo động”. Người phát ngôn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói chuyện trực tiếp với tất cả các bên ở Thái Lan để giải thích rõ rằng điều quan trọng là san bằng bất đồng chính trị bằng các biện pháp dân chủ và hợp hiến”.

Tiêu điểm

200-500

triệu baht (130-325 tỉ đồng VN) là tiền thiệt hại mỗi ngày do biểu tình theo đánh giá của Phòng Thương mại Thái Lan. Hội đồng Du lịch Thái Lan ước tính ngành du lịch bị thiệt hại 22,5 tỉ baht (14.625 tỉ đồng VN).

45,84%

trong 44,6 triệu cử tri đã đi bầu Quốc hội ngày 2-2. Số liệu này không bao gồm 9/77 tỉnh đã hủy bầu cử. 67/375 khu vực bầu cử phải hủy bầu cử do biểu tình, thiếu phiếu hoặc thiếu nhân viên phòng phiếu.

 DẠ THẢO - TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm