Những người hùng thầm lặng giải cứu đội bóng nhí Thái Lan

12 cầu thủ nhí cùng một huấn luyện viên đội bóng Lợn rừng mắc kẹt trong hang sâu Tham Luang (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) được các thợ lặn người Anh phát hiện đầu tiên nhưng đưa cả đội bóng ra ngoài thực sự là một chiến dịch toàn cầu.

Những người cuối cùng rời khỏi hang Tham Luang gồm ba thợ lặn và một bác sĩ, tất cả đều là đặc nhiệm hải quân Seal Thái Lan. Ảnh: BBC

Một cựu thợ lặn hải quân Thái Lan, Saman Gunan, đã tử nạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thông tin về việc chính xác những ai tham gia sứ mệnh giải cứu và đóng góp như thế nào hiện khá ít ỏi bởi hầu hết mọi người đều không muốn nói nhiều về bản thân. BBC điểm qua vài cái tên trong số họ.

John Volanthen và Richard Stanton

Giọng nói của thợ lặn người Anh John Volanthen là âm thanh đầu tiên mà các cậu bé và HLV nghe thấy sau chín ngày mắc kẹt trong hang sâu kể từ ngày 23-6.

Ông và người đồng hành Richard Stanton được nhà chức trách Thái Lan mời tới tham gia chiến dịch cùng Robert Harper, một chuyên gia hang động khác đến từ Anh.

Từ trái qua: Richard William Stanton, Robert Charles Harper và John Volanthen. Ảnh: AFP

Bộ ba tới Thái Lan chỉ ba ngày sau khi đội bóng mất tích. Ông Volanthen - một chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin và ông Stanton - một cựu lính cứu hỏa là thành viên Đội giải cứu hang động miền Nam và Trung xứ Wales. Họ từng tham gia hàng loạt chiến dịch giải cứu hang động trước đây, như ở Na Uy, Pháp và Mexico.

Richard Harris

Bác sĩ Richard Harris đến từ TP Adelaide (Australia) đã có hàng chục năm kinh nghiệm lặn. Ông là người kiểm tra tình trạng sức khỏe của đội bóng nhí và "bật đèn xanh" để chiến dịch giải cứu được tiến hành. Nếu các em quá yếu, phương án đưa đội bóng khỏi hang bằng cách lặn quá nguy hiểm.

Bác sĩ Richard Harris. Ảnh: Twitter

Theo truyền thông, bác sĩ Harris từng tham gia lặn thám hiểm ở Australia, Trung Quốc và New Zealand. Ông là một bác sĩ gây mê nhưng có kiến thức sâu rộng về những chiến dịch giải cứu.

Năm 2011, ông đã tham gia thu hồi thi thể một người bạn sau chuyến lặn thám hiểm cực kỳ khó khăn ở Nam Australia. Bạn ông Harris, Agnes Milowka, một thợ lặn giàu kinh nghiệm, đã hết ôxy trong quá trình lặn.

Theo một số nguồn tin, chính các thợ lặn Anh đã đặc biệt yêu cầu bác sĩ Harris góp sức trong chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan.

Đặc nhiệm SEAL Hải quân Thái Lan

Hàng loạt đặc nhiệm SEAL Thái Lan đã tham gia chiến dịch. Đáng chú ý nhất là bác sĩ Pak Loharnshoon và ba thợ lặn khác đã tình nguyện ở cùng để trợ giúp những thiếu niên Thái Lan kể từ lúc các em được tìm thấy hồi đầu tuần trước.

 Chuẩn Đô đốc Arpakorn Yuukongkaew. Ảnh: BBC

Bác sĩ Pak được nhìn thấy bôi thuốc cho một em nhỏ bị thương nhẹ trong đoạn video do đặc nhiệm SEAL Thái Lan chia sẻ trên Facebook. Bốn đặc nhiệm SEAL này là những người rời khỏi hang cuối cùng trong sứ mệnh giải cứu hôm 10-7. Đặc nhiệm SEAL Thái Lan do Chuẩn Đô đốc Arpakorn Yuukongkaew chỉ huy.

Saman Gunan

Saman Kunan, 38 tuổi, là một thợ lặn hải quân Thái Lan về hưu. Ông tình nguyện tham gia chiến dịch giải cứu. Ông mất vì thiếu ôxy khi đang làm nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường khoảng 3,2 km trong hang Tham Luang để phục vụ công tác cứu hộ đội bóng nhí sáng 6-7.

Thợ lặn Saman Kunan qua đời ngày 6-7. Ảnh: ABC

"Ông ấy từng được ca ngợi vì những việc đã làm. Ông ấy yêu thích giúp đỡ người khác, làm từ thiện và hoàn thành tốt mọi công việc" - vợ của Kuman miêu tả về chồng mình.

Cái chết của thợ lặn Kunan là thương vong đầu tiên trong chiến dịch giải cứu các thiếu niên mắc kẹt. Nó làm bật lên sự nguy hiểm trong mỗi hành trình vào và ra khỏi hang, thậm chí với người dày dạn kinh nghiệm.

Ben Reymenants

Ben Reymenants là người Bỉ, chủ một cửa hàng bán đồ lặn ở Phuket, Thái Lan. Ông được cho là người tham gia nhóm giải thoát bốn em nhỏ đầu tiên trong chiến dịch hôm 9-7.

Từ trái sang: Ben Reymenants cùng chỉ huy chiến dịch giải cứu Narongsak Osotthanakorn và thợ lặn Maksym Polejaka. Ảnh: Facebook.

Claus Rasmussen

Claus Rasmussen mang quốc tịch Đan Mạch nhưng đã sống ở Thái Lan nhiều năm. Ông công tác tại một số trường dạy lặn. Rasmussen hiện là giáo viên hướng dẫn lặn tại Công ty Blue Label Diving hợp tác cùng Ben Reymenants. Rasmussen đã lặn khắp châu Á và từng làm việc ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Mikko Paasi

Mikko Paasi, quốc tịch Phần Lan, là người sáng lập một trung tâm lặn trên hòn đảo nhỏ Koh Tao của Thái Lan. Ông có chuyên môn về kỹ thuật lặn, thường tham gia các cuộc lặn thám hiểm hang động hay tàu đắm.

Mikko Paasi trong lúc lặn. Ảnh: BBC

Hôm 2-7, ngày đội bóng nhí được tìm thấy vẫn sống sót, trên mạng xã hội Facebook, vợ Paasi cho biết bà đã mua vé cho ông bay tới Chiang Rai để góp sức vào nỗ lực cứu hộ đúng dịp kỷ niệm tám năm ngày cưới của hai người.

Ivan Karadzic

Ivan Karadzic, quốc tịch Đan Mạch, tới Koh Tao sau ông Paasi vài năm. Họ hiện cùng nhau vận hành trung tâm dạy lặn. Karadzic từng chia sẻ với BBC về nỗi sợ khi nhìn thấy cậu bé đầu tiên và một thợ lặn tiến về phía ông từ xa. Lúc đó ông không biết đấy là "đứa trẻ còn sống hay một xác chết". Sau cùng, ông thở phào nhẹ nhõm vì nhận ra cậu bé vẫn an toàn.

Từ trái sang: Erik Brown, Mikko Paasi và Claus Rasmussen. Ảnh: Facebook

Trước cái chết của cựu thợ lặn Kunan, Karadzic đã viết trên Facebook bày tỏ sự kính trọng: "Hãy yên nghỉ. Anh là người hùng và chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh của anh".

Erik Brown

Erik Brown, người Canada, là người hướng dẫn lặn kỹ thuật tại Vancouver. Ông bắt đầu với bộ môn lặn từ 10 năm trước và là đồng sáng lập Trường dạy lặn kỹ thuật Team Blue Immersion ở Ai Cập. Đêm 10-7, trên trang Facebook cá nhân, Brown cho biết ông đã thực hiện bảy nhiệm vụ lặn trong chín ngày với tổng cộng 63 giờ bên trong hang Tham Luang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm