Qatar - cầu nối giúp Taliban 'danh chính ngôn thuận' trước quốc tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ South China Morning Post, Qatar đã đóng một vai trò trung tâm trong việc sơ tán người Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát phần lớn đất nước.

Ước tính khoảng 40% trong số hơn 110.000 người di tản từ Kabul được Mỹ đưa khỏi đất nước trong vài tuần qua đã đi qua căn cứ không quân Al-Udeid của Qatar trước khi bay sang các nước thứ ba.

Riêng Qatar đã vận chuyển 1.500 người theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế và đảm bảo lối đi an toàn đến sân bay cho 3.000 người. Đại sứ Qatar cũng đã đích thân hộ tống người Mỹ và những người khác đến nơi an toàn qua các đường phố của Kabul.

Qatar đóng vai trò quan trọng trong việc sơ tán người dân khỏi Afghanistan. Ảnh: AP

Ngày 2-9, Qatar cho biết họ đang làm việc với Taliban để nhanh chóng mở lại sân bay Kabul, theo kênh Channel News Asia.

Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết: "Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể vận hành nó trong thời gian sớm nhất có thể. Điều rất quan trọng là Taliban thể hiện cam kết của họ trong việc cung cấp lối đi an toàn và quyền tự do đi lại cho người dân Afghanistan".

"Hy vọng rằng trong vài ngày tới chúng tôi sẽ nghe được một số tin tốt", ông nói thêm.

Nhìn chung, đó là một nỗ lực to lớn từ các một đất nước có diện tích và dân số khiêm tốn như Qatar. Quốc gia giàu năng lượng này từ lâu đã nuôi dưỡng tham vọng lớn như một nhà hòa giải trên trường toàn cầu.

"Vẫn chưa rõ vai trò hòa giải của Qatar"

Qatar đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện dẫn đến việc sơ tán, bao gồm việc mở văn phòng chính trị của Taliban ở Doha vào năm 2013 trước khi tiếp tục đóng vai trò chủ trì và hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các chiến binh. Điều này đã giúp Washington và Taliban ký kết thỏa thuận rút quân.

Các chuyên gia được Viện Trung Đông (MEI) tại Đại học Quốc gia Singapore phỏng vấn cho biết cách tiếp cận của Doha nhằm mục đích làm cho mình trở nên quan trọng nhất có thể đối với các quốc gia quan trọng, đặc biệt là Mỹ.

Ông David Roberts - Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh của Đại học King’s College London cho biết vai trò hòa giải của Qatar là "đáng nghi vấn".

"Chúng ta biết rất ít về vai trò của Qatar trong thực tế. Những năm đầu tiên, họ chỉ là những người tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, gần đây Qatar có vẻ như đã đóng một vai trò chủ động hơn. Qatar làm tất cả những điều này hoàn toàn là để tạo ra một hình ảnh tốt trong mắt Mỹ" - ông nói.

Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng sự hỗ trợ của Doha đối với việc sơ tán sẽ đi một chặng đường dài.

Theo ông Abdullah Baabood - chuyên gia nghiên cứu về Hồi giáo tại Đại học Waseda, Qatar có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đối thoại ở Afghanistan trong bối cảnh tình hình hiện rất lỏng lẻo.

Ông nói: "Do đó, Qatar đã chứng minh rằng họ là một đối tác hữu ích, và điều này chắc chắn sẽ nâng cao vai trò và vị thế của nước này như một nhà hòa giải trung lập đáng tin cậy, có ảnh hưởng và có năng lực".

Qatar có thể là cầu nối giữa Taliban với thế giới?

Theo ông Roberts, Qatar là một ẩn số tuyệt vời.

"Chúng tôi thực sự không biết nhiều về hoạt động hòa giải tích cực của Qatar với Taliban, hoặc trạng thái của các liên kết giữa họ. Đúng vậy, Qatar đã chuyển từ chỉ đơn thuần là một địa điểm cho các cuộc đàm phán sang một thứ gì đó có vai trò tích cực hơn nhưng tôi không chắc ở mức độ nào" - ông nói.

Trong khi đó, các chuyên gia lại cho biết không phải Doha mà là cách Taliban quản lý Afghanistan sẽ yếu tố chính giúp nhóm này đạt được "danh chính ngôn thuận" trên trường quốc tế.

"Cho đến nay, Qatar dường như đang đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa Taliban và cộng đồng quốc tế, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách nhóm này thực hiện chính sách trong tương lai. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu Taliban có phát triển thành một bên có thể được công nhận hay không, bằng cách thực hiện các cam kết của họ" - ông Baabood nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm