Quân đội Thái Lan ban hành dự thảo thúc đẩy kinh tế

Dự thảo kế hoạch gồm 30 biện pháp khẩn cấp với một số nội dung quan trọng như sau:

- Chi tiêu không vượt quá ngân sách đã lập ban đầu. Thành lập quỹ đầu tư tư nhân để giảm đầu tư công.

- Khôi phục niềm tin các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Hiện đại hóa các doanh nghiệp nhà nước.

- Phát triển các đặc khu kinh tế ở biên giới Myanmar, Lào, Malaysia.

- Ổn định giá cả xăng dầu.

Ngày 2-6, Chủ tịch Hội đồng Vì hòa bình và trật tự quốc gia Prayuth Chan-ocha thông báo sẽ thành lập các trung tâm hòa giải ở các tỉnh trong vòng hai tuần tới. Ông cho biết đã giao cho thư ký thường trực của các bộ nhiệm vụ cải cách công việc của các cơ quan chính phủ.

Các binh sĩ Thái Lan chuẩn bị tuần tra ở Bangkok ngày 2-6. Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp báo cùng ngày ở Bangkok, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết đến nay đã có 39 nước và ba tổ chức quốc tế phản ứng vụ đảo chính của quân đội. Người phát ngôn lấy làm tiếc vì Úc phản ứng mạnh mẽ nhất (hạ cấp quan hệ quân sự với Thái Lan và cấm các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan nhập cảnh).

Người phát ngôn cho biết ngày 2-6 tại Myanmar, thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkoew đã gặp Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin (nước chủ tịch ASEAN) để thông báo tình hình Thái Lan sau đảo chính và lộ trình cải cách của Thái Lan. Ông Sihasak Phuangketkoew cam kết Thái Lan sẽ tiếp tục tham gia đầy đủ các hội nghị và các khuôn khổ hợp tác quốc tế.

Sáng 2-6, lực lượng an ninh đã thu giữ 180 quả lựu đạn M67 và 27 quả đạn phóng lựu tại huyện Muang (tỉnh Chon Buri). Hiệp hội Nhà báo Thái Lan đã ra tuyên bố yêu cầu cảnh sát không được sử dụng băng tay có logo của hiệp hội để giả dạng phóng viên. Tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc vì sự việc có thể làm ảnh hưởng đến tác nghiệp, an toàn và uy tín của các phóng viên.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm