Israel, NATO lấy Patriot giả làm S-400 để tập trận

Video một máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Uvda của Israel trong cuộc tập trận Cờ xanh. (Nguồn: TWITTER)

Israel, Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc cuộc tập trận chung quy mô lớn. Trong đó, cuộc tập trận có nội dung tập trung đối phó các hệ thống phòng không hiện đại như hệ thống S-400 của Nga.

Theo hãng tin RT, không quân Israel đã đón tiếp các máy bay chiến đấu của Mỹ, Đức, Ý và Hy Lạp tới căn cứ không quân Uvda ở sa mạc Negev thuộc phía Nam Israel trong gần hai tuần từ ngày 3 đến 14-11.

Tiêm kích F-16I của Israel tham gia cuộc tập trận Cờ xanh. Ảnh: RT

Tổng cộng 800 binh sĩ và khoảng 100 máy bay đã tham gia cuộc tập trận “Blue Flag” (Cờ xanh), trong đó có máy bay tàng hình F-35 lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này.

Máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel thậm chí còn tham gia một số nội dung tấn công giả định mà trong đó họ đóng vai kẻ địch, tạo ra “thách thức đáng kể” cho đối phương. Tuy nhiên, đây không phải là chi tiết đáng chú ý nhất của cuộc tập trận được truyền thông Israel mô tả là cuộc tập trận hiện đại nhất này.

Các phi công của Israel và NATO đã trình diễn kỹ năng thâm nhập không phận của kẻ địch và chống lại hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga, theo thông cáo báo chí của không quân Israel và trang tin quân sự Breaking Defense.

Nga trước đó đã triển khai những hệ thống này tới Syria để bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia. Nga cũng cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO và thậm chí đề nghị bán hệ thống tối tân này cho Saudi Arabia.

Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Mỹ đã gây sức ép kinh tế và chính trị lên các đối tác của nước này, buộc họ từ bỏ các thương vụ với Nga và mua vũ khí của Mỹ.

Tuy nhiên, Israel không dễ dàng tiếp cận hệ thống S-400. Đó là lý do trong cuộc tập trận vừa qua, Israel phải lấy hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ để giả làm S-400. Tất nhiên, Patriot đã qua chỉnh sửa để mô phỏng S-400 của Nga.

Dù vậy, liệu Israel và NATO có vượt qua được nhiệm vụ đó hay không lại là câu hỏi khác, vì các đặc tính của Patriot không thực sự giống với những đặc tính của hệ thống S-400. Hệ thống của Nga có thể tấn công một mục tiêu đang di chuyển với vận tốc gấp đôi vận tốc của mục tiêu mà Patriot có thể bắn. S-400 còn có tầm bắn xa hơn, độ cao lớn hơn… tùy vào loại tên lửa đánh chặn nó sử dụng.

Hệ thống Patriot thời gian gần đây khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả tác chiến thực sự của nó, đặc biệt sau khi những hệ thống này thất bại trong việc bảo vệ đồng minh Saudi Arabia của Mỹ trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu.

Sự thể trên buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thay đổi cách tiếp thị hệ thống Patriot của nước này, nói rằng ngay cả hệ thống phòng không tốt nhất thế giới cũng có lúc không được như ý.

Đại diện của Tập đoàn hợp tác quân sự - kỹ thuật Liên bang Nga ngày 17-11 cho hay một số quốc gia Trung Đông bày tỏ quan tâm tới hệ thống S-400 do Nga sản xuất, theo hãng tin Sputnik.

“Một số quốc gia ở Trung Đông bày tỏ hứng thú đối với hệ thống S-400. Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu đưa ra bởi các doanh nghiệp nước ngoài đối với hệ thống này” - đại diện Công ty Maria Vorobyova nói tại triển lãm hàng không Dubai 2019 ngày 17-11.

Bà Vorobyeva nói thêm rằng Nga và Saudi Arabia hiện đang thảo luận các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã ký năm 2017 về bàn giao hệ thống S-400 cho vương quốc này để thỏa thuận có hiệu lực.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.