Theo tờ South China Morning Post, tuyên bố này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại Diễn đàn “Bắc Cực - Lãnh thổ của Đối thoại” lần thứ năm tại thành phố Saint Petersburg.
Diễn đàn lần này có sự tham gia của lãnh đạo các nước trong khu vực bao gồm Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thuỵ Điển. Trong bài phát biểu của mình, ông Putin cho biết Nga đang lên kế hoạch mở rộng đáng kể số lượng các tàu hàng đi qua khu vực Bắc Băng Dương.
Theo đó, kế hoạch này được đưa ra nhằm chuẩn bị cho sự gia tăng số hàng hoá qua vùng biển này từ 20 triệu tấn vào năm 2017 lên 80 triệu tấn vào năm 2035. “Đây là một nhiệm vụ thực tế, chắc chắn và đã được tính toán rất kỹ. Chúng ta cần phải làm cho đường biển phía Bắc trở nên an toàn và có lợi thế thương mại”, Tổng thống Putin khẳng định.
Ông nhấn mạnh Nga là nước duy nhất có kế hoạch mở rộng ở khu vực này, cũng như là nước duy nhất sở hữu tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân. Nga hiện tại đang sở hữu bốn tàu dạng này, ba chiếc khác đang trong quá trình chế tạo. Đến năm 2035, con số này sẽ tăng lên chín chiếc.
Một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, lợi thế này của Moscow nhiều khả năng sẽ nhanh chóng biến mất, khi Trung Quốc hiện nay cũng được cho là nỗ lực phát triển công nghệ này, với một con tàu dùng năng lượng hạt nhân nặng 30.000 tấn đang được gấp rút hoàn thành.
Ngoài ra, bài phát biểu của ông Putin cũng đề cập đến việc Nga đang có dự tính mở rộng và nâng cấp hệ thống cảng biển ở hai bên tuyến hàng hải Bắc Cực, cũng như kêu gọi các khoản đầu tư cho dự án này.
Những năm gần đây, với việc số lượng băng ở Bắc Cực đã tan đáng kể do các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, một số nước xung quanh như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Thuỵ Điển đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực này trong cuộc đua giành lấy tiềm năng khai thác và hậu cần mới đang được hình thành ở Bắc Cực sau những thay đổi của thiên nhiên.
Trước những lo ngại tại buổi Đối thoại trước những hoạt động quân sự của Nga trong khu vực này, Ngoại trưởng Sergey Lavrov trấn an rằng sự hiện diện của quân đội Nga ở Bắc Cực chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia của Moscow.
“Chúng tôi muốn đảm bảo khả năng quốc phòng cần thiết trước tình hình chính trị-quân sự gần biên giới của chúng tôi”, ông Lavrov nói, đề cập cuộc tập trận giữa không quân khối NATO và Na Uy diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.
Phát biểu tại Diễn đàn Bắc Cực, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhấn mạnh các nước cần phải tôn trọng công pháp quốc tế và lưu ý về vai trò kiến tạo đối thoại của Hội đồng Bắc Cực.
“Thỉnh thoảng tôi lại được nghe về vùng Bắc Cực được mô tả là một điểm nóng địa chính trị. Nhưng đó không phải là thứ chúng ta đang thấy ở đây. Bắc Cực là khu vực của hoà bình và ổn định”, bà nói.