Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-1 ra thông báo bày tỏ thất vọng trước việc Mỹ quay lại chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, thay vì xây dựng một cuộc đối thoại có ý nghĩa về các vấn đề không gian, theo TASS.
Bộ Ngoại giao Nga lưu ý trong bản Đánh giá phòng thủ tên lửa (MDR) mới của Mỹ ban hành ngày 17-1, rất chú ý đến việc thành lập nhóm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) phóng từ vũ trụ, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa.
Một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ căn cứ tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii, Mỹ năm 2017. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi vô cùng thất vọng trước việc Mỹ chọn quay trở lại thực hiện phiên bản mới của chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, thay vì xây dựng các cuộc đối thoại có ý nghĩa về các vấn đề ổn định chiến lược và ngăn chặn chạy đua vũ trang trên không gian” – Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Nga nói thêm khác với ý đồ của Mỹ, Nga chỉ ủng hộ việc sử dụng và thăm dò không gian cho các mục tiêu hòa bình và không có kế hoạch như các kế hoạch được nêu trong bản Đánh giá phòng thủ tên lửa mới của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Washington từ bỏ kế hoạch thực hiện hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian, cảnh báo chương trình tên lửa không gian mới của Mỹ sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
"Trên thực tế, chiến lược này bật đèn xanh cho khả năng tấn công bằng tên lửa trong không gian. Việc thực hiện những ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự khởi đầu của cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, gây ra những hệ lụy tiêu cực nhất đối với an ninh và sự ổn định của thế giới" - tuyên bố nêu rõ.
Theo Bộ này, chương trình không gian được Tổng thống Trump công bố tuần trước sẽ đi ngược lại thông lệ hợp tác quốc tế về thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Trong bài phát biểu công bố bản Đánh giá phòng thủ tên lửa mới hôm 17-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng chiến lược mới này sẽ đảm bảo các tên lửa của kẻ thù sẽ không có chốn dung thân trên Trái đất hoặc trên bầu trời.
Bộ Quốc phòng Nga công bố tên lửa 9M729 mà Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF vì cho rằng tên lửa này có tầm bắn từ 500km-1.000km. Ảnh: SPUTNIK
Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng không gian là một cuộc chiến mới do Lực lượng Không gian dẫn đầu.
Trong Đánh giá này, Mỹ tuyên bố mở rộng mạng lưới phòng thủ tên lửa ra toàn cầu bằng cách triển khai hệ thống cảm biến trong không gian. Động thái này cho phép tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương.
Bên cạnh phát triển năng lực trong không gian, bản Đánh giá phòng thủ tên lửa mới của Mỹ còn đề ra việc sẽ triển khai 20 tên lửa đánh chặn ở Alaska ngay trong năm 2023. Ngoài ra, kế hoạch trang bị tên lửa mới Aegis SM-3 cho các căn cứ tên lửa ở Romania và Ba Lan cũng được nhắc tới trong bản Đánh giá.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh Mỹ và Nga căng thẳng trong một loạt vấn đề, điển hình nhất là Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai nước ký năm 1987. Washington cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận INF và thông báo sẽ đơn phương chính thức rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 2. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang mới nếu thỏa thuận sụp đổ.