Ngày 17-1, Tổng thống Trump đã công bố chi tiết về bản “Đánh giá phòng thủ tên lửa”, được thực hiện theo hướng dẫn của chủ nhân Nhà Trắng và bộ trưởng quốc phòng. Chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu đánh giá năng lực phòng thủ tên lửa Mỹ hồi năm 2017, lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Trong phát biểu đưa ra tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Trump yêu cầu quân đội tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ông nói mục tiêu của Mỹ "rất đơn giản” là đạt được khả năng “phát hiện và phá hủy” bất kỳ tên lửa nào đang lao tới, bất kể là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay tên lửa siêu thanh.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 17-1. Ảnh: GETTY
“Chúng ta tập hợp ở đây nhằm vạch ra các bước đi mà chúng ta phải triển khai để nâng cấp và hiện đại hóa khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trước tình hình các mối đe dọa hiển hiện ngày một rõ ràng và nhanh chóng, chúng ta nhất định phải chắc chắn rằng năng lực phòng thủ của chúng ta là không gì sánh kịp và vô song trên thế giới”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, chiến lược phòng thủ tên lửa mới nhất của Mỹ là một phản ứng trực tiếp đối với “các thế lực thù địch và đối thủ” cũng như những nỗ lực của họ trong việc xây dựng kho tên lửa mạnh hơn và lớn hơn, vốn có khả năng vươn tới các mục tiêu ở Mỹ.
Tổng thống Trump đã vạch ra sáu thay đổi lớn trong chính sách phòng thủ tên lửa của Washington, trong đó có việc triển khai thêm 20 tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất ở Alaska, cũng như hệ thống radar và cảm biến mới. Các hệ thống này được triển khai nhằm phát hiện ngay tức thì tên lửa do các nước đối thủ phóng đi nhắm vào Mỹ.
Ông Trump tuyên bố sẽ triển khai thêm 20 tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất tại cơ sở quân sự Fort Greely ở bang Alaska, nâng số lượng tên lửa đánh chặn tại đây từ 44 lên 64 tên lửa.
“Chúng tôi cam kết thiết lập một chương trình phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ mọi thành phố ở Mỹ”, ông khẳng định.
Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California hồi tháng 11-2018. Ảnh: GETTY
Nhà lãnh đạo Mỹ nói chiến lược này cũng kêu gọi đầu tư vào các công nghệ mới, chứ không hoàn toàn đầu tư vào các hệ thống hiện tại bởi vì “thế giới đang thay đổi và sẽ thay đổi rất nhanh”.
“Chỉ đơn thuần theo kịp đối thủ là không đủ. Chúng ta phải đi nhanh hơn, tiến trước họ trong mọi bước ngoặt. Chúng ta phải theo đuổi và nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo Mỹ luôn đi trước những ai sẽ gây phương hại cho chúng ta”, ông Trump nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng thống Mỹ, chiến lược mới này mở rộng ra ngoài tên lửa đạn đạo. “Mỹ giờ đây sẽ điều chỉnh để ngăn chặn mọi cuộc tấn công tên lửa, kể cả tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh. Đồng thời, chúng ta sẽ nâng cấp công nghệ và tên lửa siêu thanh”, ông Trump nói.
Ngoài ra, theo Tổng thống Trump, Mỹ sẽ công nhận không gian là lĩnh vực cạnh tranh mới. Ông nói: “Ngân sách sắp tới của tôi sẽ đầu tư vào tầng cảm biến trên không gian . Đó là công nghệ mới. Chúng ta sẽ đảm bảo mọi tên lửa của kẻ thù không có chỗ trú ẩn trên Trái Đất hay trên bầu trời. Đây là hướng mà tôi muốn nhắm tới”.
Chủ nhân Nhà Trắng cam kết sẽ “loại bỏ các trở ngại quan liêu nhằm tăng tốc tiếp nhận và triển khai công nghệ mới này”.
Cuối cùng, Tổng thống Trump cho hay Washington sẽ “san sẻ gánh nặng công bằng với các đồng minh”, bao gồm chia sẻ thông tin về việc theo dõi và cảnh báo sớm nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa.
“Ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong chương trình tên lửa của chúng ta. Trong một thời gian dài, chúng ta đã bị kìm hãm bởi chính những giới hạn do chúng ta tự đặt ra, trong khi các đối thủ vươn lên và tiến bộ hơn chúng ta trong nhiều năm qua. Chiến lược của chúng ta dựa trên một mục tiêu quan trọng: phát hiện và phá hủy mọi loại tên lửa tấn công bất kỳ mục tiêu nào của Mỹ, cho dù trước hay sau khi phóng”, ông Trump tuyên bố.
Trước bài phát biểu của ông Trump, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho hay bản Đánh giá Phòng thủ tên lửa 2019 của Mỹ sẽ phù hợp với các tài liệu trước đó của chính quyền Tổng thống Trump, như Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng và bản Đánh giá về tình hình hạt nhân (NPR). Tất cả tài liệu này đều đề cập cụ thể Nga, Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên là “viên gạch mới nhất trong bức tranh an ninh quốc gia mở rộng hơn của Mỹ”.
Lực lượng vệ binh Mỹ tại căn cứ Fort Greely, bang Alaska. Ảnh: SPUTNIK
Theo báo The New York Times, các quan chức quân sự Mỹ từ lâu cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công từ các quốc gia có kho vũ khí hạn chế hơn, chẳng hạn như Triều Tiên. Tuy vậy, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân bất chấp đã ngừng phóng tên lửa hồi năm ngoái.
Các quan chức Lầu Năm Góc lập luận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ quá ít nên gặp khó khi đối phó cuộc tấn công từ một cường quốc hạt nhân như Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington hy vọng kho vũ khí hạt nhân của mình có thể là công cụ răn đe các nước có ý định tấn công Mỹ.
Nga xem những bước tiến về phòng thủ tên lửa của Mỹ là một mối đe dọa và bản đánh giá mới của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ khoét sâu thêm căng thẳng giữa Washington với Moscow.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng khiến Lầu Năm Góc lo ngại bởi những cải tiến trong công nghệ siêu thanh vốn có thể cho phép Bắc Kinh phóng tên lửa khó phát hiện hơn.
Trong một báo cáo được đưa ra hồi đầu tuần, Lầu Năm Góc đã chỉ ra mối đe dọa từ phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc và cảnh báo Bắc Kinh đang sắp hoàn thành một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới.