Tại sao người Mỹ ngày càng mất niềm tin vào truyền thông?

Một thăm dò của Trung tâm Gallup (Mỹ) mới đây cho thấy niềm tin của người Mỹ đối với truyền thông đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong năm 2016.

Theo kết quả thăm dò công bố ngày 14-9, chỉ 32% người được hỏi cho biết có niềm tin đáng kể với truyền thông đại chúng, mức thấp nhất kể từ khi Gallup bắt đầu thăm dò về vấn đề này và giảm 8% so với một năm trước.

Theo các chuyên gia, con số này phản ánh xu hướng giảm dần niềm tin vào truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, so với thời gian trước, sự thiếu tin tưởng này trong năm vừa qua đã tăng cấp số nhân, một phần lớn vì những gì diễn ra quanh cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Báo CS Monitor (Mỹ) dẫn nhận định của TS Jonathan M. Ladd, tác giả cuốn Tại sao người Mỹ ghét truyền thông và điều này có ý nghĩa gì, rằng tình trạng sụt giảm niềm tin này không chỉ xảy ra chỉ với người Mỹ. Hiện tượng tương tự cũng từng xảy ra ở nhiều nước phát triển trong 20-40 năm qua. Tuy nhiên, vấn đề ở Mỹ rõ ràng và trầm trọng hơn.

Đưa tin giật gân làm mất uy tín, mất sự tôn trọng

Theo TS Ladd, vào thời điểm thập niên 1930, tỉ lệ người không tin vào truyền thông cao áp đảo so với tỉ lệ người tin. Sau đó tỉ lệ người tin tăng dần và lên cao điểm vào các thập niên 1950, 1960 và đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, sau đó tỉ lệ người tin bắt đầu giảm dần và đến hiện tại là giảm sâu nhất.

Đà suy giảm niềm tin này có ba lý do, theo TS Ladd. Thứ nhất, tình trạng sụt giảm niềm tin của người Mỹ không chỉ xuất hiện đối với truyền thông mà đối với toàn bộ cơ quan, tổ chức, thể chế khác.

Thứ hai, “các đảng phái ngày càng trở nên phân cực, tình trạng lợi dụng truyền thông phục vụ cho mục đích chính trị ngày càng tăng”.

Thứ ba, “thay đổi về công nghệ cho phép xuất hiện nhiều kênh thông tin, rất nhiều trong số đó hoạt động đơn thuần, chạy theo lợi nhuận với cách đưa tin giật gân, dần dần làm giảm sự tôn trọng và niềm tin của công chúng”.

Người Mỹ ngày càng mất niềm tin vào truyền thông.

Người Mỹ ngày càng mất niềm tin vào truyền thông. Ảnh: TRUTHREVOLT

Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn CS Monitor qua điện thoại, GS khoa học chính trị David Jones tại ĐH James Madison (Mỹ) cho rằng sự bùng nổ của Internet đã tạo ra một làn sóng báo trực tuyến, một số tin được, một số không đáng tin. Chỉ cần vào Facebook hay mở tivi là mọi người có thể nhận được vô số thông tin từ vô số nguồn khác nhau, trong đó có không ít nguồn không có uy tín. Chính điều này đã dần tạo sự cảnh giác ở người tiếp nhận thông tin là mọi kênh truyền thông đều không đáng tin.

Tuy nhiên, GS Jones không cho rằng bản thân truyền thông là thủ phạm chính gây ra sự sút giảm niềm tin của công chúng. Giống TS Ladd, GS Jones cũng đồng tình xu hướng mất niềm tin ngày càng tăng của người dân Mỹ vào các tổ chức chính trị như Quốc hội, quân đội, Tòa án Tối cao đã tác động đến cảm nhận của họ với truyền thông.

Thiếu khách quan vì để các phe phái chính trị lèo lái

Theo nhiều nhà phân tích, sự đấu đá, những góc tối chính trị không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin vào các tổ chức chính trị mà quyết định cả niềm tin của một người với truyền thông. Thăm dò của Gallup cho thấy số người theo đảng Cộng hòa tin vào truyền thông ít hơn nhiều so với người theo đảng Dân chủ, 14% so với 51%.

Theo GS Jones, xu hướng chỉ trích truyền thông ở đảng Cộng hòa bắt đầu từ cuối thập niên 1960 và tăng cao trong nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon (1969-1974). Khi đó Phó Tổng thống Spiro Agnew chỉ trích mạng lưới truyền hình vì đưa tin về chiến tranh Việt Nam. Vào thập niên 1980, khi các bài báo trở nên sắc cạnh hơn, có xu hướng phân tích và nêu ý kiến cá nhân hơn thì lại xuất hiện lời phàn nàn về truyền thông tự do.

Truyền thông thiếu khách quan làm suy giảm niềm tin độc giả.

Truyền thông thiếu khách quan làm suy giảm niềm tin độc giả. Ảnh: PATOMAHONY

GS Jim Kuypers tại ĐH Bách khoa Virginia nhận định sự phân cực đảng phái ảnh hưởng đến truyền thông trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi nhiều nhà báo uy tín có những bài viết thể hiện thành kiến chính trị quá lộ liễu.

“Niềm tin của người Mỹ vào truyền thông song hành với niềm tin của họ với tính khách quan của truyền thông. Có thể nói niềm tin luôn đi cùng với cảm nhận công bằng trong mỗi bài báo. Càng nhiều sự cố mất niềm tin, truyền thông càng bị đánh giá thấp" - theo GS Kuypers.

Trong năm bầu cử đặc biệt phân cực như năm nay, hiện tượng “truyền thông thù địch” càng mạnh, GS Jones nhận định.

GS Jones và nhiều chuyên gia khác cùng nhận định tình trạng sụt giảm niềm tin vào truyền thông có thể sẽ gây nguy hiểm cho sự dân chủ của Mỹ.

“Người dân cần thông tin, họ cần điều đó từ truyền thông. Nếu người dân không còn tin vào truyền thông, không còn tiếp nhận thông tin... điều này thật sự nguy hại và làm tổn thương nền dân chủ của Mỹ” - GS Jeff McCall tại ĐH DePauw (Mỹ) nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm