Tại sao ông Suga công du Đông Nam Á, không chọn Mỹ, Trung?

Theo hãng tin Reuters, ngày 13-10, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đã thông báo với đảng Dân chủ Tự do cầm quyền rằng ông sẽ sang thăm Đông Nam Á (ĐNA) vào tuần tới. Cụ thể, Việt Nam (VN) và Indonesia là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga sau khi nhậm chức thủ tướng Nhật.

Tại sao không phải Mỹ, Trung, Hàn?

Theo truyền thống từ năm 1945, Mỹ luôn là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi các nhà lãnh đạo Nhật nhậm chức. Theo đài NHK, với thực tế đang có nhiều quan ngại về kinh tế và an ninh trong khu vực, trước đó có nhiều ý kiến đoán rằng ông Suga có thể sẽ có chuyến công du nước ngoài biểu tượng đầu tiên sang Mỹ để củng cố tầm quan trọng của liên minh xuyên Thái Bình Dương giữa Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, ông Suga đã không theo bước đi của những người tiền nhiệm mà chọn hai nước ĐNA làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.

Trong một bài viết trên báo Japan Times, chuyên gia Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại và là người vừa được Thủ tướng Suga bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt cho nội các Nhật, cho biết các nhà báo Nhật lẫn quốc tế bàn tán rất nhiều về chuyện ông Suga chọn thăm ĐNA đầu tiên. Tại sao không phải là Mỹ, hay Trung Quốc, hay Hàn Quốc?

Ông Kuni nói ông không có thông tin nội bộ để trả lời chính xác các băn khoăn này nhưng theo quan điểm riêng của ông thì có hai lý do chính: Ông Suga không muốn vướng vào bầu cử tổng thống Mỹ, và Mỹ vẫn còn bị đại dịch COVID-19 hoành hành quá nặng.

Ý kiến này được nhiều chuyên gia tán thành. Theo chuyên gia Julian Ryall, có thể nhìn ra được rằng Nhật không muốn dính vào sự tranh cãi chính trị trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra ở Mỹ. Theo GS Go Ito, chuyên về quan hệ quốc tế tại ĐH Meiji (Tokyo), cuộc chiến bầu cử ở Mỹ sẽ còn kéo dài đến tháng tới nhưng chuyện công du nước ngoài lại quan trọng với chính phủ ông Suga và ĐNA là lựa chọn thông minh của ông.

Theo ông Kuni, chuyện thăm Trung Quốc thời điểm này là một “sai lầm chính trị” với Thủ tướng Suga, với bối cảnh hiện tại xung quanh quan hệ song phương Nhật - Trung. Thăm Hàn Quốc cũng thế, theo ông. Ngày 13-10, hãng tin Kyodo News đưa tin “Cuộc họp thượng đỉnh ba bên giữa Nhật - Hàn - Trung khả năng lớn sẽ không diễn ra được trong năm nay, khi có thông tin ông Suga sẽ không tham dự nếu không có sự nhượng bộ từ Seoul quanh chuyện bồi thường cho người lao động thời chiến”.

Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (giữa) sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới. Ảnh: NIPPON.COM

Ông Suga kỳ vọng nhiều ở Đông Nam Á

Ông Kuni đánh giá việc ông Suga chọn thăm hai nước ASEAN là lựa chọn “tự nhiên”, đặc biệt trong lúc Nhật đang chủ trương củng cố quan hệ với các nước trong khu vực, và giữa bối cảnh căng thẳng giữa đồng minh an ninh chính (Mỹ) và đối tác thương mại chính (Trung Quốc) ngày càng tăng.

Về chuyện tại sao lại là VN và Indonesia mà không phải các thành viên ASEAN khác, chuyên gia Kuni đưa ra các thực tế “VN đang là chủ tịch ASEAN năm nay và Indonesia là thành viên của nhóm kinh tế G20 mà Nhật là thành viên”.

Thủ tướng Suga thăm ĐNA thời điểm này là hoàn hảo.

Chuyên gia KUNI MIYAKEChủ tịch Viện Chính sách đối ngoại, cố vấn đặc biệt của nội các Thủ tướng Suga Yoshihide 

Nhưng đó có thể chưa phải là lý do chính. Theo ông Kuni, chủ trương chính thức của Nhật là thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), việc tôn trọng quy định luật pháp, tự do lưu thông hàng hải và hàng không trên biển, dàn xếp bất đồng một cách hòa bình và xây dựng quan hệ ổn định với các láng giềng (ở đây là Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên). Với chuyện Thủ tướng Suga chọn thăm ĐNA đầu tiên, có thể thấy ông đã ưu tiên các chính sách trên hơn so với việc “xây dựng quan hệ ổn định với các láng giềng”.

Báo South China Morning Post dẫn nhận định của GS Jeff Kingston, chuyên về nghiên cứu châu Á tại ĐH Temple (Tokyo), rằng ông Suga và Nhật hy vọng các nước ĐNA sẽ chia sẻ tầm nhìn FOIP của Nhật. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng mục đích chuyến đi này của ông Suga là nhằm thắt chặt thêm các quan hệ kinh tế lẫn an ninh với các đối tác ĐNA.

Theo ông Kuni, FOIP không phải chỉ là về trật tự quân sự thế giới, mà đúng hơn FOIP còn cung cấp nền tảng cơ bản cho sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, ĐNA và Nam Á. Không hoàn toàn như Mỹ, các nỗ lực của Nhật trong thúc đẩy tầm nhìn FOIP chú trọng hơn vào các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, thực thi pháp luật.

Theo lịch dự kiến thì ông Suga sẽ đến VN từ ngày 18-10 và ở lại đến ngày 21-10. Người tiền nhiệm của ông Suga là Thủ tướng Shinzo Abe cũng từng chọn VN là điểm đến nước ngoài đầu tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai. Nhiều nhà phân tích cho rằng có vẻ Thủ tướng Suga sẽ đi theo đúng hướng đi của người tiền nhiệm Abe về chính sách đối ngoại.

Thời ông Abe, VN là một thành tố chính trong chính sách đối ngoại khu vực của Nhật. Ông Abe từng ký Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật năm 2006 và sau đó nâng cấp thành một liên minh chiến lược lớn hơn.

Giai đoạn 2014-2018, Nhật hỗ trợ 280 triệu USD, trở thành nước chi hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho VN. Hồi tháng 8, Nhật thông báo thỏa thuận 348 triệu USD cung cấp sáu tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển VN.

VN cũng là điểm đến ưu tiên của đầu tư trực tiếp theo Sáng kiến Đối tác vì chất lượng hạ tầng của Nhật - được xem là sự cạnh tranh với các khoản cho vay của Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, khả năng lớn ông Suga sẽ phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế với VN dựa trên các nền tảng chắc chắn này. Chính ông Suga cũng nói ông hy vọng sẽ ký thỏa thuận với VN trong chuyến thăm này.

Hơn thế nữa, theo GS Go Ito, khả năng ông Suga sẽ dùng chuyến công du này để bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Abe. Theo ông, ông Abe dù rất cởi mở trong cách tiếp cận các vấn đề đối ngoại nhưng cũng rất bảo thủ trong các chính sách. Với ông Suga, chuyến đi này sẽ là cơ hội để ông thể hiện cho các nước thấy màu sắc chính trị của mình, rằng mình sẽ theo đuổi con đường khác ông Abe và muốn trở thành một nhà đóng góp lớn hơn cho ĐNA. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm