Thẩm phán sẽ phải kê khai tài sản

Để bảo vệ tính độc lập của tòa án, Nam Phi đã có luật về quy trình bổ nhiệm tư pháp, luật về nhiệm kỳ và thù lao thẩm phán cũng như luật về thành lập Ủy ban Dịch vụ tư pháp. Nam Phi cũng đã tham gia Dự án củng cố tính liêm chính và năng lực hệ thống tòa án của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC).

Dự án nêu trên đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát trên toàn quốc đối với viên chức ngành tư pháp. Theo kết quả khảo sát năm 2006, 7% công tố viên và 11% nhân viên tòa án khẳng định họ biết có tình trạng hối lộ để được xét xử nhanh. Theo một cuộc khảo sát khác, 70% thẩm phán tòa sơ thẩm không hài lòng với điều kiện làm việc, cụ thể như tiền trợ cấp xăng xe quá thấp. Đầu năm 2006, tổng thống đã đồng ý tăng tiền trợ cấp xăng xe nhưng Bộ Tài chính lại không có tiền nên các thẩm phán tòa sơ thẩm đã đình công. Cuối cùng, họ lại bị điều tra vì đã làm hoen ố hình ảnh thẩm phán.

Quản lý tài chính yếu kém cũng gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng. Theo kết quả kiểm toán năm 2001-2002, nhiều khoản tham ô công quỹ, tiền đặt cọc tại ngoại, tiền cấp dưỡng nộp cho tòa, bất động sản và tài khoản ngân hàng đã được phát hiện. Kết quả có 2.000 trường hợp bị kỷ luật, 162 vụ được điều tra hình sự. Sau khi Luật Quản lý tài chính công năm 1999 có hiệu lực, công tác quản lý tài chính có cải thiện nhưng chưa cao.

Tại Nam Phi, thẩm phán không bị buộc phải kê khai tài sản hàng năm. Do đó, người dân không mấy tin tưởng bộ máy tư pháp. Gần đây, chánh án John Hlophe ở Tòa án tối cao tỉnh Western Cape đã bị tố cáo nhận tiền của một công ty quản lý tài sản tư nhân với vai trò là người tư vấn cho công ty này trong khi công ty này lại là nguyên đơn trong một vụ kiện do tòa án của chánh án John Hlophe thụ lý. Đầu tháng 8-2007, Ủy ban Dịch vụ tư pháp đã họp để quyết định xem ông John Hlophe có vi phạm quy chế nghề nghiệp hay không nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện tại, theo quy tắc đạo đức trong nội bộ ngành tư pháp, các thẩm phán bị cấm làm thêm và nhận thù lao bên ngoài khi chưa được bộ trưởng Tư pháp đồng ý. Dù vậy, tính giải trình trách nhiệm trong ngành tòa án vẫn còn yếu. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã soạn thảo một gói dự luật mới bao gồm xây dựng bộ quy tắc đạo đức trong ngành tư pháp, cơ chế xử lý đơn thư khiếu nại và kỷ luật trong ngành tư pháp và yêu cầu thẩm phán phải kê khai tài sản.

Theo hiến pháp, tổng thống bổ nhiệm cán bộ tư pháp cấp cao sau khi tham vấn Ủy ban Dịch vụ tư pháp. Đối với nhân viên tư pháp cấp thấp hơn như thẩm phán sơ thẩm, theo Đạo luật Thẩm phán tòa sơ thẩm, Ủy ban Thẩm phán tòa sơ thẩm được trao quyền xem xét bổ nhiệm, thuyên chuyển, đề bạt, kỷ luật và sa thải. Tuy nhiên, vấn đề còn tranh cãi là trong thành phần từ 23-25 thành viên Ủy ban Dịch vụ tư pháp vẫn phải bảo đảm số lượng quan chức chính trị ít nhất là 11 người. Q

Theo kết quả kiểm toán năm 2005-2006 đối với Bộ Tư pháp và phát triển hiến pháp Nam Phi, đã có 131 triệu rand (gần 300 tỷ đồng VN) không thể kết toán, 44 triệu rand (100 tỷ đồng VN) bị thâm hụt, tài khoản của 108 tòa án không thể kết toán, 41 tòa án bị thất lạc hoặc không có danh sách kế toán, 120 tòa án không có tài khoản ngân hàng.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm