Gửi tin nhắn rác bị phạt tới 80 triệu
Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 tới.
Theo quy định mới, hành vi gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại bị phạt 60-80 triệu đồng.
Hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác bị phạt tiền 180-200 triệu đồng.
Hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Hành vi che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình khi gửi thư điện tử, tin nhắn bị phạt 20-30 triệu đồng.
Hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó bị phạt 30-50 triệu đồng.
Hành vi lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt 50-70 triệu đồng.
Mức phạt 50-70 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hành vi chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội... bị phạt 50-70 triệu đồng…
Chủ nhà phải mua bảo hiểm cho người giúp việc
Nghị định 28/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 tới.
Theo đó, người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định để người lao động tự lo bảo hiểm bị phạt 10-15 triệu đồng.
Hành vi sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm bị phạt 10-15 triệu đồng.
Hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ bị phạt 50-75 triệu đồng.
Người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động bị phạt 5-50 triệu đồng.
Người sử dụng lao động xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 10-15 triệu đồng.
Người sử dụng lao động dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động bị phạt 10-15 triệu đồng…
Không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch
Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực từ ngày 20-4 tới.
Theo quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015.
Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Những mục không có nội dung trong tờ khai thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực...