Quyền của phạm nhân còn vướng mắc

Quốc hội đã có buổi họp ngày 19-11 bàn về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo lịch trình, Quốc hội dành cả ngày để họp bàn về dự luật này.

Luật phải quy định quyền nào bị hạn chế

Dự luật bổ sung Điều 27 quy định chín nhóm quyền của phạm nhân và một nhóm quyền mang tính nguyên tắc. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung cho rằng về nguyên tắc người bị kết án tù là người đã bị tước đi quyền con người cơ bản nhất, đó là quyền tự do thân thể. Từ đó, phạm nhân không thể đòi hỏi được thực hiện tất cả quyền con người, quyền công dân được hiến định. Bà Dung không đồng tình với việc dự thảo chỉ nêu chung chung, phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và các luật khác có liên quan.

Bà Dung băn khoăn nếu luật này và luật khác không quy định thì phạm nhân đang chấp hành án có được hưởng các quyền công dân khác như là quyền kết hôn, quyền sinh con, giao dịch dân sự, điều hành doanh nghiệp từ xa hay không. “Đề nghị dự luật phải được rà soát, bổ sung đầy đủ thêm các quyền của phạm nhân như quyền không bị xúc phạm thân thể, bị nhục hình, quyền tự do tín ngưỡng theo quy định...” - bà Dung nói.

Trong khi đó, Phó Chánh án TAND TP.HCM Trịnh Ngọc Thúy lại cho rằng quy định như dự thảo đã thể hiện đầy đủ quyền của một công dân đang chấp hành hình phạt tù, mang tính bao quát tiến bộ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. “Theo tôi, không cần quy định thêm bất cứ quyền nào khác” - bà Thúy nói và cho rằng không thể nêu hết tất cả quyền mà người đang phải chấp hành án không bị hạn chế. Đôi khi nêu ra lại chồng chéo các luật khác, không khả thi. Hơn nữa, có những quyền không cần nêu ra tại luật này nhưng người đang bị tạm giam vẫn được hưởng.

Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề nghị Luật Thi hành án hình sự phải nêu rõ các quyền của phạm nhân. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Không rõ ràng nên phát sinh vướng mắc

Bấm nút xin tranh luận vào phút cuối, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Hoàng Văn Liên cho rằng quy định như dự thảo là “không rõ ràng”, bởi theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. “Nhiệm vụ của các luật liên quan phải cụ thể hóa tinh thần của hiến pháp. Nghiên cứu và rà soát dự thảo luật, chúng tôi thấy chưa quy định rõ ràng hạn chế quyền nào của phạm nhân hoặc nếu có quy định cũng hết sức mờ nhạt, không rõ ràng” - ông Liên nói. Vị ủy viên Ủy ban Tư pháp này cũng nêu hàng loạt câu hỏi: Trong điều kiện giam giữ cải tạo, phạm nhân có quyền chọn tự do tín ngưỡng hay không? Có quyền tự do đi lại, tự do hội họp, lập hội, biểu tình, tự do xuất nhập cảnh, tự do kết hôn, hiến xác, hiến tạng, hiến mô, lưu giữ tinh trùng không? Nếu bị hạn chế thì hạn chế như thế nào?...

Đối chiếu với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ông Liên cho rằng một số quyền (như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, ra nước ngoài, quyền tự do lập hội, tự do biểu tình...) do phạm nhân đang chấp hành án nên chắc chắn bị hạn chế. “Tuy nhiên, có một số quyền khác như quyền tự do tín ngưỡng, thời gian qua các cơ sở cải tạo rất vướng mắc” - ông Liên nói và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét những quyền nào bị cấm, quyền nào bị hạn chế cần quy định rõ trong dự thảo luật để dễ thi hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm