Quyền lợi BHYT: Những câu hỏi thường gặp và lời giải đáp

(PLO)- Hiểu được quyền lợi BHYT sẽ giúp mỗi cá nhân tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả và sử dụng tối đa quyền lợi mà mình được hưởng.

Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một trong những chính sách đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt quan quan trọng. Việc hiểu rõ các quy định và quyền lợi BHYT sẽ giúp mỗi cá nhân tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả và sử dụng tối đa quyền lợi mà mình được hưởng.

Xoay quanh vấn đề này, nhiều bạn đọc vẫn còn nhiều thắc mắc về quyền lợi, cách thức tham gia, và các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Để giải đáp bạn đọc, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Người dân KCB tại BV Lê Văn Thịnh, quận 2 bằng BHYT. Ảnh: TRẦN MINH

Những câu hỏi thường gặp của người về hưu

. Bạn đọc ThoHuynh64…@gmail.com: Bố của tôi là quân nhân về hưu, đăng ký KCB theo nơi thường trú là BV huyện tại tỉnh Vĩnh Long. Gần đây sức khỏe bố tôi yếu nên muốn vào BV 175 để kiểm tra.

Như vậy, xin hỏi có cần giấy chuyển viện từ BV huyện đến tuyến tỉnh sau đó mới xin chuyển tuyến lên BV 175 không?

+ Luật sư Trần Thị Thanh Thảo: Theo quy định tại Luật BHYT, để được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đi KCB BHYT trước hết bố của bạn nên đi KCB tại nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và thực hiện đầy đủ thủ tục KCB BHYT.

Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB thì cơ sở KCB sẽ hướng dẫn và chuyển tuyến KCB BHYT cho bố của bạn theo quy định.

Trường hợp bố của bạn tự đi KCB không đúng tuyến tại BV 175 (là BV tuyến Trung ương) và có thực hiện đầy đủ thủ tục KCB BHYT thì quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ của bố của bạn. Trường hợp chỉ KCB ngoại trú thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB.

. Bạn đọc Nguyễn Hòa: Tôi nhập ngũ năm 1978. Tháng 6-1980, tôi sang nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế. Tháng 9-1985, tôi được xuất ngũ, chuyển ngành về một công ty xây dựng. Năm 2009, tôi nghỉ chế độ hưu trí, được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh.

Tôi muốn đổi mã thẻ BHYT HT3 sang mã thẻ YT KC2 có được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

+ Luật sư Trần Thị Thanh Thảo: Căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Trường hợp của bạn đọc Nguyễn Hòa đang có thẻ BHYT cấp theo đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (mã đối tượng HT, mức quyền lợi 3) để được hưởng mức quyền lợi 2 của đối tượng cựu chiến binh (mã đối tượng CB) hoặc người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (mã đối tượng KC) theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (do nội dung hỏi chưa rõ, đồng thời thuộc đối tượng nào), bạn lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

Hồ sơ bao gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và một trong các giấy tờ sau:

- Quyết định xuất ngũ hoặc chuyển ngành (ghi rõ thời gian, địa điểm nơi trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Trường hợp không ghi rõ thời gian, địa điểm nơi trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu thì bổ sung bản xác nhận về địa bàn phục vụ trong quân đội của cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên nơi trực tiếp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ theo mẫu số 04-HBKV, bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực);

- Quyết định được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Trường hợp không có các giấy tờ trên thì có thể bổ sung giấy tờ liên quan khác chứng minh là cựu chiến binh theo quy định tại Pháp lệnh Cựu chiến binh hoặc người tham gia kháng chiến.

. Bạn đọc Phạm Thanh Trí: Tôi nhập ngũ từ năm 1983. Năm 1994, tôi chuyển ngành về làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, là hội viên Hội Cựu chiến binh. Nay tôi đã nghỉ hưu, hưởng chế độ, quyền lợi BHYT mức 95%.

Nếu tôi muốn được BHYT chi trả 100% chi phí KCB thì có được không? Nếu được thì tôi cần phải làm những thủ tục gì?

+ Luật sư Trần Thị Thanh Thảo: Căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Do đó, trường hợp của ông đang nghỉ hưu và hưởng chế độ, quyền lợi BHYT 95%; đồng thời, nếu ông có thời gian nhập ngũ từ tháng 3/1983 đến năm 1994 được xác định là cựu chiến binh, có mức hưởng BHYT 100% thì ông cung cấp giấy tờ chứng minh tại Điểm 23 Khoản 2 Mục I Phụ lục 03 và theo hướng dẫn tại Điều 23 Văn bản hợp nhất số 922/VBHN-BHXH ngày 5-4-2023 để cơ quan BHXH nơi quản lý thu, cấp thẻ BHYT đối với người đang hưởng lương hưu nơi ông cư trú điều chỉnh mã quyền lợi hưởng theo quy định.

Biết được quyền lợi BHYT sẽ giúp mỗi cá nhân tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả. Ảnh: TRẦN MINH

Người nước ngoài có tham gia BHYT được không?

. Bạn đọc Kiennam...@gmail.com: Vợ tôi là người nước ngoài, mới đến Việt Nam, muốn mua BHYT tại Việt Nam. Vậy, vợ tôi phải đóng tiền mua BHYT như thế nào?

+ Luật sư Trần Thị Thanh Thảo: Căn cứ quy định tại Điều 12 Luật BHYT 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 và hướng dẫn tại Nghị định 146/2018 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 104/2022) thì người nước ngoài có thể tham gia đóng BHYT tại Việt Nam theo diện bắt buộc (làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp ngoài công lập) hoặc tham gia BHYT hộ gia đình với những người có tên trong hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Như vậy, tùy vào tình hình công việc của ông mà có thể tham gia BHYT tại nơi làm việc hoặc nếu có tên trong hộ gia đình đăng ký tạm trú hoặc thường trú thì được tham gia BHYT theo hộ gia đình theo quy định của pháp luật.

Thủ tục đóng BHYT cho người nước ngoài

Đối với người tham gia BHYT tại doanh nghiệp:

Bước 1: Người lao động nước ngoài (hoặc đại diện doanh nghiệp) cần làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT tại cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương hoặc qua bộ phận nhân sự của công ty.

Bước 2: Cung cấp các giấy tờ cần thiết bao gồm:

Hộ chiếu, visa, giấy phép lao động.

Hợp đồng lao động (nếu là đối tượng bắt buộc).

Các giấy tờ tùy thân khác (nếu yêu cầu).

Bước 3: Tính toán mức đóng bảo hiểm y tế căn cứ trên lương hoặc thu nhập (đối với người lao động). Mức đóng sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm của lương và có sự tham gia của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Bước 4: Nộp tiền đóng BHYT định kỳ hàng tháng, quý hoặc năm tùy theo thỏa thuận.

Về mức đóng BHYT, Đối với người lao động nước ngoài: Mức đóng BHYT sẽ được tính trên cơ sở mức lương của họ theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ đóng là 4.5% của mức lương (trong đó 3% do người sử dụng lao động đóng và 1.5% do người lao động đóng).

Đối với người tham gia BHYT tự nguyện: Người nước ngoài tự đóng với mức phí do cơ quan bảo hiểm xã hội quy định, tuỳ thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới