Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã tạo nên bản sắc độc đáo của một đô thị sông nước phương Nam. Trên nhiều dòng kênh, con rạch của TP đã từng là nơi giao thương nhộn nhịp của các thương nhân từ khắp nơi đổ về, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền riêng có của TP.
TP.HCM thời điểm đó cùng với sông Sài Gòn là những kênh Đôi, Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm… từng là nơi người dân dùng nước ở kênh rạch để sinh hoạt như tắm giặt, rửa rau...
Tuy nhiên, “cơn lốc” đô thị hóa cùng những hạn chế trong quản lý nhà nước ở nhiều thời kỳ đã “bức tử” rất nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch của TP. Từ những “con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi” đã trở thành những dòng kênh chết với rác, tình hình ô nhiễm vệ sinh môi trường ngày càng trầm trọng. Tình trạng nhà ổ chuột mọc lên ven kênh rạch càng khiến cảnh quan đô thị trở nên tồi tàn, nhếch nhác.
Từ những năm 1990, 2000, chính quyền TP đã có chủ trương cải tạo vệ sinh môi trường, làm trong sạch hệ thống kênh rạch. Thời điểm đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm, rạch Ụ Cây, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã nằm trong “tầm ngắm” của việc chỉnh trang.
Đến nay, TP đã di dời, giải tỏa hàng ngàn hộ dân sống trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xóa bỏ hoàn toàn nhà ổ chuột. Diện mạo của dòng kênh này đã được thay da đổi thịt. Ngoài ra, kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đã được cải tạo làm thay đổi hẳn bộ mặt của đô thị khu vực quận 6, 11, Tân Phú; rạch Ụ Cây (phường 10, quận 8) cũng được giải tỏa hơn 1.000 căn nhà lụp xụp…
Tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình suốt 30 năm với thành quả như vậy thì còn rất khiêm tốn. Nhiều dự án cải tạo kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dù đã có chủ trương từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở hoặc chỉ nằm trên giấy.
Còn nhớ giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10 từng đưa nội dung này vào một trong bảy chương trình đột phá của TP với rất nhiều chỉ tiêu. Trong đó, xác định đến năm 2020 sẽ di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch nhưng đến nay, sau bảy năm chỉ thực hiện được khoảng 10%...
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã có hẳn một nghị quyết về chủ trương đầu tư hai dự án rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của chính quyền TP trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, với hai “siêu dự án” liên quan đến hàng loạt quận, huyện với quy mô giải tỏa hàng chục ngàn hecta và hàng ngàn hộ dân trong phạm vi dự án thì ngoài các vấn đề pháp lý, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ quan chức năng, nguồn vốn thì cần phải có sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Từ đó mới mong dự án có thể cán đích đúng thời hạn.
Hiện nay việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư… nhất là trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ khiến người dân đồng thuận cao hơn. Thêm vào đó, từ dự án đã hoàn thiện, hẳn sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho TP trong thời điểm này cũng như các giai đoạn tiếp theo.