Sáng 19-4, đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em – Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Đoàn giám sát của HĐND TP có buổi làm việc tại UBND huyện Hóc Môn về vấn đề bạo hành và xâm hại trẻ em. Ảnh NT.
Khi thu thập chứng cứ, lấy lời khai đừng làm trẻ hoảng sợ
Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, từ năm 2017 đến Quý I-2019, trên địa bàn huyện Hóc Môn xảy ra 15 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại trong đó: không khởi tố 3 vụ; chuyển cấp trên thụ lý 5 vụ; thụ lý giải quyết 5 vụ; tiếp tục xác minh 2 vụ.
Nổi cộm nhất trong thời gian trên được nhắc đến là vụ việc một thầy giáo (29 tuổi) giáo viên thuộc biên chế của trường tiểu học T.X, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn xâm hại nhiều học sinh vào năm 2018.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hóc Môn, công tác tuyên truyền về vấn đề thực hiện Luật Trẻ em – Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng.
“Nhưng việc tuyên truyền này còn hạn chế. Nhiều bậc làm cha mẹ chỉ quan tâm khi có vụ việc xảy ra chứ bình thường rất thờ ơ. Nhiều lúc, người xâm hại các em lại là người thân. Bố mẹ các em không thể ngờ được vụ việc lại xảy ra như vậy. Nên công tác tuyên truyền thực tế còn chưa gây được chú ý, đi vào kiến thức của người dân” – bà nói.
Lãnh đạo hội phụ nữ cũng cho rằng, gia đình khi gặp vụ việc xảy ra thường rất bối rối, hoang mang. Họ rất quan tâm đến quy trình tiếp nhận, xử lý điều tra của công an. Nhưng khi công an thu thập các chứng cứ, lời khai khiến trẻ hoảng sợ.
Đại diện Phòng Lao động Thương binh Xã hội cũng cho biết, nếu trường hợp xảy ra, phòng lao động sẽ xuống UBND xã để nắm xác định mức độ vụ việc, cán bộ trẻ em sẽ xem xét mức độ, tiến hành can thiệp để phòng ngừa.
Một số ý kiến cho rằng, việc quá nhiều đơn vị đến tiếp xúc với trẻ khiến trẻ có thể hoảng loạn, tâm lý bất ổn ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý là thực tế đã từng xảy ra.
Bà Hải Yến cũng nêu một ví dụ là mới đây, vụ việc xảy ra ở Bình Thạnh, gia đình phải đi lòng vòng rất nhiều nơi để trình báo. Đại diện Công an huyện Hóc Môn cho biết việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của cơ quan Công an là 24/24. Nếu để người dân đi lại lòng vòng, không giải quyết là sai luật định.
“Vì những vụ việc như xâm hại thì chỉ có bị hại và đối tượng. Nên cần phải có sự tiếp xúc với các em để lấy thông tin. Ví dụ như vụ thầy giáo xâm hại, chúng tôi đã cử những cán bộ kinh nghiệm dày dạn nhất. Tới trò chuyện với các em, nhưng các em lại quay sang bảo vệ thầy giáo. Chúng tôi phải sử dụng đến biện pháp nghiệp vụ mới thành công. Đó là chưa kể các cán bộ phải mặc thường phục, không ghi chép và có cả người giám hộ ở bên” – người này tiếp.
Đại diện Công an huyện Hóc Môn. Ảnh NT.
Có vụ khác, thì quá nhiều đơn vị xuống lấy thông tin, kể cả cơ quan báo chí gây khó khăn cho công tác điều tra. "Các cơ quan chức năng, đơn vị khi nghe có vụ việc thì đa phần đến để lấy thông tin. Họ lấy thông tin về để báo cáo. Nhưng đừng như vậy, chúng ta đến là hỗ trợ. Gia đình cần gì, cơ quan chức năng có làm đúng, đủ hay chưa… Riêng việc lấy thông tin, xử lý là trách nhiệm của cơ quan điều tra”.
Chứng cứ từ camera an ninh là cực kỳ quan trọng
Thượng tá Trương Minh Đức - Phó Trưởng Công an huyện Hóc Môn cho biết, để thực hiện công tác phòng ngừa, kéo giảm hạn chế những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có làm được hay không là phải quy trách nhiệm cụ thể.
“Nếu nêu cao vai trò của người đứng đầu địa phương thì sẽ hạn chế được. Như trách nhiệm của UBND xã có kiểm tra hay không, có phòng ngừa, dự báo tình huống không. Như vừa rồi xảy ra vụ việc cháu bé chết đuối trong xô nước, cháu bé bị bạo hành. Thì phải quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý, cấp phép nhưng thiếu kiểm tra” – ông Đức nói.
Một cán bộ điều tra, Công an huyện Hóc Môn cũng cho biết, riêng các vụ việc dâm ô, chứng cứ cụ thể là cực kỳ quan trọng. “Lời nói của bé thôi chưa đủ mà phải có chứng cứ cụ thể. Lúc này mình phải kiểm tra hệ thống camera an ninh. Việc lắp camera an ninh là cực kỳ cần thiết nhưng để xảy ra rồi mới đi lắp camera thì rất khó. Như ví dụ trường học, gắn camera hết thì thầy giáo đâu có cơ hội dâm ô. Cái này vừa phòng tránh vừa cảnh báo, có tác dụng như tách con sói khỏi con gà. Phòng tránh nhiều khi là biện pháp tấn công vào tội phạm” – vị cán bộ khẳng định.
Nhưng thực tế ở khu vực huyện Hóc Môn việc lắp đặt các camera an ninh ở trường học, các điểm giữ trẻ ngoài công lập chưa nhiều, còn yếu và thiếu.
Đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội cũng nêu ý kiến rằng, các huyện vùng ven hiện nay dân nhập cư rất đông. Người dân chủ yếu quan tâm đến việc kiếm sống hơn là quan tâm đến trang bị các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách về trẻ em chỉ hoạt động vài năm rồi chuyển công tác, tạo ra lỗ hỗng cho người đến sau.
Một đại biểu khác nêu ý kiến, ngoài các trẻ em nữ thì trẻ em nam cũng bị bạo hành, xâm hại.
Hội bảo trợ trẻ em thành phố cũng cho rằng việc tuyên truyền còn chưa thực tế. Người này đặt vấn đề: “Các bạn báo cáo viên xuống trường, yêu cầu được tiếp xúc với các lớp học riêng lẻ để có sự sâu sát hơn nhưng không được chấp thuận. Lâu nay tuyên truyền là một lúc trước hàng ngàn em, liệu có bao nhiêu em chú ý lắng nghe. Bên cạnh đó, nhiều buổi tuyên truyền thì chỉ có phần đa là phụ nữ, may lắm mới có nam mà chủ yếu là người già cao tuổi. Làm sao chúng ta vận động các bậc cha mẹ đến tham dự những chương trình như vậy”.