Bài viết “Bão lũ quét qua nhưng không ai dám làm từ thiện...” nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc. Bên dưới bài viết này, bạn đọc đã để lại nhiều bình luận (comment) về chủ đề cá nhân vận động từ thiện.
Dù bình luận có đồng tình lẫn trái chiều nhưng tất cả đều mong muốn các cá nhân mạnh dạn làm từ thiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần cùng với các tổ chức đoàn thể khác hỗ trợ kịp thời cho người nghèo.
Hãy bỏ đá khỏi tay và lăn xả cùng đồng bào vùng bão lũ
- Ai cũng biết cũng công nhận những nỗ lực hy sinh quên mình vì đồng bào của cán bộ chiến sĩ, của các cấp chính quyền trong phòng chống bão lũ. Nhưng nếu có thêm những cánh tay xung phong của những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội thì gánh nặng của chính quyền và người dân vùng lũ sẽ vơi đi phần nào. Ai không làm được gì nên im lặng để người khác làm. Chuyện họ có ăn chặn hay không thì nên có chứng cứ xác đáng và pháp luật trừng trị. Chửi bới không giúp đồng bào vượt qua cơn bão lũ –bạn đọc Kiên.
- Những người cầm đá trong tay nên đi làm từ thiện và dấn thân hơn. Để bỏ đá ra mà lăn xả với những cảnh khổ của bao người, để rồi thấu hiểu được cái khổ của những người gặp hoạn nạn – bạn đọc Phan.
- Tôi tin tưởng vào những người làm từ thiện chân chính. Họ đã có lòng kêu gọi giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là việc làm tốt, còn việc họ có ăn chặn tiền từ thiện hay không thì tôi tin vào luật nhân quả. Những người có tâm làm từ thiện họ cũng biết được điều này, nhưng xét cho cùng người khổ nhất vẫn là người dân thôi - bạn đọc Công bằng.
- Làm từ thiện bây giờ đòi hỏi vừa phải có tâm, vừa phải chuyên nghiệp, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật đặt ra. Nghị định 93/2021 ra đời nhằm tăng tính minh bạch trong làm từ thiện là cần thiết, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian để mọi người thích nghi với các thủ tục báo cáo này nọ. Điều này sẽ gây mất thời gian thêm ít nhiều nhưng tôi tin rằng trong tương lai mọi người sẽ thích nghi dần, chịu khó chút lúc đầu để đỡ phải vất vả về sau khi bị hạch hỏi, sao kê. Đồng ý với tác giả bài báo: Ngay lúc này rất cần những người dấn thân!- bạn đọc Hải Hồ.
Chính quyền huyện Nam Trà My đang tổ chức khắc phục sạt lở để người dân qua lại tạm. Ảnh: THANH NHẬT
Lũ khiến nhiều nơi ở Quảng Bình ngập sâu. Ảnh: NGUYỄN DO
Mong lùm xùm sớm kết thúc
- Ông bà ta thường nói làm ơn mắc oán. Có lẽ, sau những lùm xùm từ thiện, mọi người đều thấy ái ngại. Phải chi từ đầu chúng ta có những hướng dẫn cụ thể thì những người làm từ thiện đã không mắc sai lầm. Sai lầm đôi khi không phải do họ cố ý ăn chặn tiền từ thiện mà do vướng phải pháp lý không rõ ràng. Cách làm của họ vô tình không thu thập đủ các chứng nhận giấy tờ... Cũng dễ hiểu vì họ không chuyên nghiệp, chỉ thấy người dân khó khăn thì lao vào làm với mong muốn đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân, giảm bớt nỗi lo về tinh thần cho họ, lan truyền tính nhân đạo trong công chúng... Họ đang thực sự làm bằng cái tâm nhưng chưa đủ kiến thức chuyên môn về tài chính – bạn đọc Van.
- Các bạn gửi tiền hỗ trợ cho các nghệ sỹ để làm từ thiện thì ít nhất hãy tin tưởng vào họ. Nếu nghi ngờ họ không minh bạch thì lần sau hãy tự mình làm. Họ đâu bắt buộc các bạn phải chuyển tiền cho họ để họ làm từ thiện. Tại sao chỉ nghe một lời nói không có căn cứ rồi hùa nhau chỉ trích họ? Họ có ăn chặn từ thiện hay không thì lương tâm họ tự biết, pháp luật sẽ điều chỉnh. Người làm có trời nhìn. Nhiều người nói cây ngay không sợ chết đứng. Thế bạn đã phải chịu áp lực từ dư luận hay không? Kêu gọi thì bị nói ăn chặn còn làm bằng tiền của mình thì kêu làm màu, diễn, đánh bóng tên tuổi... – bạn đọc Tuyen.
- Nếu cơ quan công an cho kết quả điều tra sớm hơn thì mình nghĩ vẫn sẽ có nhiều hơn những người nổi tiếng giúp đỡ đồng bào. Sự việc đã đi quá xa, hy vọng những lùm xùm sớm có hồi kết... - bạn đọc Tú Phạm.
Mùa bão lũ năm nay đã vơi đi 1 ‘cầu nối từ thiện’ Ngoài sự chủ lực, đóng vai trò chủ chốt của chính quyền, UBMTTQ các cấp, chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp kịp thời của những cá nhân vận động từ thiện vào thời điểm bão lũ. Thế nhưng, mùa bão lũ năm nay, việc cá nhân vận động từ thiện, đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng đã giảm đáng kể, không rầm rộ như các năm trước. Đương nhiên việc này có nhiều nguyên nhân như mùa bão lũ năm nay không thiệt hại nhiều như năm ngoái, dịch bệnh đang còn căng thẳng nhưng cũng có nguyên nhân từ những lùm xùm trong năm qua, cần có thời gian thích nghi với quy định mới.... Điều thấy rõ nhất là có một vài chuyện lùm xùm chưa rõ ràng đã làm vơi hẳn đi một kênh, một cầu nối từ thiện vốn rất hiệu quả. Cần phải nhìn nhận dù cá nhân vận động từ thiện là một hoạt động có hiệu quả, nhiều người xông pha đến tận nơi, trao tận tay nhưng vẫn còn lộ rõ nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu minh bạch. Việc chọn cá nhân, tổ chức để gửi gắm tiền ủng hộ từ thiện của người dân đôi khi cũng rất cảm tính. Cái gì cảm tính thì cũng dễ thay đổi, dễ theo số đông. Trong từ thiện, chỉ cần một điểm tối nhỏ đã khiến một công trình lớn sụp đổ. Sự tín nhiệm của người dân rõ ràng đã suy giảm rất nhiều sau “cơn bão” đòi hỏi minh bạch từ thiện. Nghị định 93/2021 ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 11-12-2021 để tăng tính minh bạch, đồng thời đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa của hoạt động từ thiện. Trước những quy định mới, cá nhân muốn làm từ thiện có vẻ như cần thời gian để tìm hiểu, cân nhắc, chọn cách làm đúng và phù hợp. Hiện tại, những cá nhân đang gặp rắc rối với vấn đề từ thiện thì không thể buộc họ làm theo kiểu “anh không làm sai thì anh sợ cái gì, cứ tiếp tục làm đi…”. Nếu họ tiếp tục thì được mấy người ủng hộ? Vậy chẳng khác nào họ tự làm bản thân tổn thương. Vả lại, vốn đã bị ngờ vực thì có làm thêm cũng chỉ tạo thêm sự nghi ngờ. Làm trong sự nghi ngờ thì chắc cũng không hào hứng, vui vẻ cho lắm. Những rắc rối mà các cá nhân vận động từ thiện ở mùa bão lũ năm ngoái đang gặp phải tất nhiên ảnh hưởng đến tâm lý, ý định thiện nguyện của cá nhân khác. Đa số sẽ phân vân hoặc có hoạt động cũng không dám rầm rộ. Thế nhưng, tôi luôn có niềm tin rằng cuộc sống luôn vận động và phát triển, việc vận động từ thiện cũng thế. Sẽ đến lúc nó phải phát triển đúng như cách pháp luật muốn điều chỉnh. Hình thế cũ không còn phù hợp, thì cần có hình thức mới minh bạch hơn. Hiện tại, cá nhân đứng ra vận động có vẻ yên ắng thì ai có lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ đồng bào bão lụt cứ gửi về chính quyền, UBMTTQ các cấp. Cách thức khác nhau nhưng mục tiêu chung vẫn hướng về đồng bào khó khăn. Dân tộc ta vốn có lòng hảo tâm, truyền thống lá lành đùm lá rách. Đồng tiền của một người thì chẳng bao nhiêu, nhiều người góp thì lại ra một con số lớn. Lòng tốt bao giờ cũng thường trực, người tốt không được làm việc tốt cũng cảm thấy khó chịu. Bão lũ đi qua chỉ có tình người ở lại. Thôi thì, chúng ta cứ chờ thử xem sao… PGS.TS TRƯƠNG VĂN VỸ- Giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM |