Rượu khóc!

Sáng 25-7, BS Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho chúng tôi tiếp xúc với một vài bệnh nhân tâm thần do nghiện rượu đang được điều trị tại đây. BS Lợi ái ngại: “Các anh tranh thủ hỏi chuyện nhanh nghen vì họ rất mệt, cần được nghỉ ngơi”.

“Không có rượu, ảnh đánh vợ con”

Mới 40 tuổi nhưng gương mặt anh S. (ngụ Đồng Nai) như người độ tuổi 50, hom hem, hốc hác. Nằm trên giường bệnh, anh nhìn chúng tôi bằng cặp mắt vô hồn. Ngồi cạnh giường, chị M. (vợ anh S., khoảng 35 tuổi) thỉnh thoảng rót nước cho chồng. Mái tóc chị rối bù, quên chải. Vẻ mặt chịu đựng.

Ban đầu chị M. không buồn nói. Chúng tôi hỏi chị nuôi bệnh chồng, rồi nhà cửa, con cái ai lo. Như bị dồn nén lâu ngày, nỗi đau trong lòng chị vỡ òa. Chị M. vừa chậm nước mắt vừa kể: “Ảnh trước đây là công nhân cơ khí, còn tôi là điều dưỡng ở bệnh viện. Chúng tôi có hai con, một trai và một gái. Cuộc sống đang hạnh phúc, vậy mà…”.

BS Nguyễn Lợi đang kiểm tra nhận thức, tư duy của bệnh nhân S. Ảnh: TRẦN NGỌC

Qua cơn xúc động, chị M. kể trong tiếng thổn thức: “Bây giờ công việc không còn, gia đình tôi tan nát…”. Theo lời chị, anh S. có thói quen uống rượu với bạn bè trong cơ quan mỗi buổi chiều. Chuyện cũng bình thường cho đến năm năm gần đây anh có dấu hiệu nghiện rượu. Anh thường uống quá nửa đêm mới về, lúc nào cũng say xỉn, bỏ bê công việc. Hậu quả là anh bị cơ quan đuổi việc. Tưởng rằng anh sẽ tu tỉnh, lo làm ăn trở lại. Đằng này anh lại buồn, uống nhiều hơn, thậm chí có hôm cứ một chai một mình lai rai tại nhà.

Khi anh S. mất việc, gia đình bắt đầu rơi vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Đồng lương điều dưỡng của chị M. không thể đủ nuôi chồng con. Ngoài giờ ở bệnh viện, chị M. phải nhận hàng về may gia công. “Từ ngày ở nhà, ổng moi tiền tôi để uống rượu. Không đưa tiền thì ổng la hét, đánh đập vợ con, làm náo loạn cả khu phố” - chị M. nói.

Hai đứa con ngoan của chị M. từ ngày cha nghiện ngập, say xỉn đánh đập mẹ con chúng lần lượt nghỉ học. “Tôi đau khổ lắm nhưng đành chịu, không thể làm gì khác được” - chị M. nói.

Xông vào bệnh viện kiếm tình địch

Chị M. vẫn cắn răng chịu, gạt khỏi lòng tiếng thị phi của đời để làm lụng nuôi chồng, nuôi con, mong nỗi cơ cực chóng qua, các con khôn lớn đỡ đần. Thế nhưng cuộc đời chưa chiều ý chị. Khoảng nửa năm nay, mỗi lần đi uống rượu về anh S. bày tỏ nghi ngờ rằng chị M. ngoại tình, khăng khăng kêu chị nghỉ việc. “Nhiều hôm tôi trực đêm ở cơ quan, ảnh theo dõi, rình rập, thậm chí mang theo dao xông vào bệnh viện tìm kiếm tình địch khiến tôi thật xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp” - chị M. kể.

Chị M. khóc. Gương mặt tiều tụy, mệt mỏi. Nhìn nét nhăn quanh đuôi mắt, không ai nghĩ người phụ nữ này mới qua tuổi 35. “Tệ hại hơn, có đêm tôi đi trực về, ảnh bắt tôi cởi hết áo quần để kiểm tra xem tôi có ngoại tình với ai không. Khi tôi phản ứng, ảnh hăm dọa sẽ giết tôi” - chị M. kể xong bật khóc nức nở.

Đã hai tuần nay chị M. xin nghỉ việc không lương, quyết tâm đưa chồng vào bệnh viện để cai nghiện rượu. Chị M. là người vợ đầy nghị lực và sáng suốt.

Nằm trên giường bệnh nghe vợ kể chuyện, anh S. ngước cặp mắt đờ đẫn ra vẻ lắng nghe. Thỉnh thoảng anh gật gật, cười cười như người ngoài cuộc.

TRẦN NGỌC

BS Nguyễn Lợi cho biết anh S. bị loạn thần thể hoang tưởng do nghiện rượu kéo dài, biểu hiện rõ nét nhất là ghen tuông vô cớ. Triệu chứng này không thay đổi trong suốt quá trình bệnh lý. Đây là hậu quả của sự nhiễm độc rượu lâu dài và là biến chứng của nghiện rượu mạn tính. Để điều trị, vấn đề quan trọng là động viên bệnh nhân bỏ rượu. Việc này rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của bệnh nhân cùng sự trợ giúp của gia đình.

Ai trong hoàn cảnh của tôi mới biết nỗi khổ khi chồng nghiện rượu. Việc làm không còn, đời sống khó khăn, con cái nghỉ học… Vì vậy nếu có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ thì sẽ có nhiều người vợ, người mẹ như chúng tôi đỡ khổ.

Chị NTM, vợ bệnh nhân tâm thần S. do nghiện rượu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm