Có con đang ở độ tuổi đến trường, cá nhân tôi luôn phải băn khoăn vì nhiều vấn đề xoay quanh việc học tập và phát triển của con. Năm nay, ngoài những nỗi lo về tiền học, tiền mua đồng phục…thì thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa cũng khiến tôi và nhiều phụ huynh trăn trở. Dù đã được lý giải về sách giáo khoa tăng là do giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng, chi thêm tiền cho các khâu từ biên soạn, thẩm định, khổ giấy…nhưng các bậc phụ huynh như tôi vẫn không cảm thấy thuyết phục.
Giá sách giáo khoa tăng không ảnh hưởng nhiều đến người có thu nhập cao nhưng với người lao động nghèo thì thêm vài trăm ngàn là chuyện lớn. Tất nhiên, giá cả hàng hóa tăng theo quy luật của thị trường, sách giáo khoa cũng không nằm ngoài quy luật. Vấn đề đặt ra ở đây là việc tăng giá sách giáo khoa có phù hợp hay chưa.
|
Việc thay sách giáo khoa cuốn chiếu khiến rất nhiều học sinh không thể dùng lại sách cũ của các anh chị trước là điều lãng phí. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường thêm nhiều hình minh họa với hình thức trình bày minh họa sinh động và hấp dẫn, khổ sách 19-26,5 cm, do đó giá cao hơn sách hiện hành. Rõ ràng, nếu sách khổ to, giấy đẹp, có nhiều dẫn chứng sinh động thì giá tăng là hoàn toàn hợp lý. Và lẽ dĩ nhiên, học sinh sử dụng sách chất lượng cao, hình ảnh đẹp để học vẫn tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, trong đó có tôi băn khoăn rằng việc các em học sinh sử dụng sách giáo khoa để học tập trong bối cảnh các chính sách cải cách giáo dục xuất hiện liên tục như hiện nay thật sự không có tính tiết kiệm, nếu không muốn nói là lãng phí.
Trước đây, một bộ sách giáo khoa thường được dùng từ anh cả cho đến em út. Người trước học xong sẽ giữ sách cho người sau sử dụng. Nhà không có nhiều anh em thì chọn giải pháp tặng cho hàng xóm, những người thân quen để khai thác triệt để hiệu quả của bộ sách. Thậm chí, đã từng có một thời, vào đầu năm học mới, trừ các gia đình khá giả muốn có bộ sách mới dùng riêng cho các em, hầu hết những học sinh khác sẽ đăng ký mượn sách giáo khoa từ thư viện trường để học và trả lại khi năm học kết thúc,
Do là sách mượn nên các em học trò như chúng tôi thời trước rất nâng niu và quý trọng. Chúng tôi được giáo dục là phải giữ gìn sách vở cẩn thận, sạch sẽ. Nếu tự ý viết, vẽ bậy vào sách hoặc làm rách thì sẽ phải chịu phí bồi thường. Chỉ với một động tác đơn giản như thế nhưng nhiều thế hệ học trò đã được rèn giũa tính cẩn thận, biết trân trọng tri thức và có ý thức về sự trao truyền.
Nhưng càng về sau này, cứ mỗi năm nhiều phụ huynh phải mua cho một bộ sách mới. Những người có điều kiện đương nhiên không cần sử dụng lại sách cũ, nhưng nhiều người nghèo muốn xin hoặc mượn sách cho con dùng lại cũng không được, vì sách mới luôn có sự thay đổi.
Tất nhiên, sách có chất lượng tốt đến đâu thì sau một thời gian sử dụng vẫn sẽ bị hỏng, nhưng chi phí bổ sung, thay mới sách ở một số thư viện vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với việc mỗi năm lại có hàng triệu học sinh ở các cấp học phải mua trọn bộ sách mới rồi sau đó bán…ve chai. Đó là sự lãng phí nguồn lực xã hội cực kỳ lớn trong điều kiện thu nhập bình quân của người dân còn thấp, từng khoản chi tiêu đều cần tiết kiệm. Thêm vào đó, việc hạn chế in quá nhiều sách giáo khoa mới cũng là cách để bảo vệ thiên nhiên, hạn chế chặt phá cây rừng. Đó là cái sự đẹp mà chưa đẹp của việc thay mới sách giáo khoa cuốn chiếu hiện nay.
Việc sử dụng lại sách cũ, thiết nghĩ, là một bài học về giáo dục, giúp học sinh học cách sử dụng sách cẩn thận, sạch sẽ nhằm trao lại cho lớp sau. Đó cũng là cách rèn nết người, dạy dỗ học sinh về tình yêu thương và bài học tiết kiệm, hạn chế lãng phí không cần thiết.
Nếu có đổi mới nội sung sách cho phù hợp với thực tế thì nên chăng chọn 10 năm thay đổi một lần tất cả các đầu sách (thay vì thay sách cuốn chiếu như hiện nay). Có như thế thì các lớp sau mới hy vọng kế thừa sách của lớp trước, tránh lãng phí quá lớn cho phụ huynh và xã hội.