Theo ghi chép của học giả Nguyễn Đình Đầu, từ thời xa xưa đã có rất nhiều nhóm người khác nhau đến làm ăn ở đây. Mức độ đông đảo của họ đủ để kết thành những cộng đồng thực (có tổ chức, có ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng, có các khu vực cư trú, các biểu tượng văn hóa và đặc biệt là có các hoạt động kinh tế đặc trưng). Ông Đầu đã đưa ra một thống kê cho thấy ngay từ đầu thế kỷ 19 đã có 15 nhóm người khác nhau cư trú tại Sài Gòn, trong số này có 13 nhóm có xuất xứ từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, có cả một số đến từ châu Âu. Trong số đó có nhiều cộng đồng với số lượng khá lớn như người Hoa, Pháp, châu Âu, Ấn Độ...
Mặc dù có những sự biến động thời cuộc khiến dân số thay đổi, có nhóm tăng lên, có nhóm giảm đi, có nhóm không còn định cư nhưng nhìn chung TP.HCM vẫn là nơi có sự đa dạng nhất trong cả nước về các thành phần dân cư cư trú. Hiện nay TP có hơn 27 dân tộc nội địa khác nhau và hơn 10 cộng đồng nước ngoài mới xuất hiện sau khi đổi mới.
Trong các cộng đồng nước ngoài sinh sống hiện nay tại TP.HCM, cộng đồng người Hàn Quốc là đông đúc hơn cả. Trong ảnh: Trẻ em Hàn đang thả bộ trên con phố Hàn ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM.
Sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1994) và lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Việt Nam mở cửa, đổi mới kinh tế thì số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, học tập, du lịch và định cư ngày càng đông. Hiện nay các cộng đồng người nước ngoài đến sống và làm việc khá đông đảo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines; các nước châu Âu như Pháp, Đức và đặc biệt là sự gia tăng rất nhanh chóng sinh viên nước ngoài đến học tập, trong số đó phải kể đến sinh viên Hàn Quốc và Lào chiếm số lượng đông đảo nhất.
Cộng đồng người Hàn Quốc là nhóm người nước ngoài đông nhất định cư tại TP.HCM sau đổi mới. Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện có khoảng 60.000 người Hàn Quốc sống ở TP.HCM. Cộng đồng người Hàn Quốc ở TP.HCM sống khá tập trung. Ngoài mở các công ty sản xuất thì người Hàn Quốc mở các cửa hàng bán các món ăn Hàn Quốc, quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức, nhân sâm.
Cộng đồng người Nhật có khoảng 1.000 người sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Các cộng đồng nước ngoài khác cũng đang gia tăng số lượng và ảnh hưởng văn hóa tại TP.HCM như Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Mỗi cộng đồng có cách thức riêng để làm ăn kinh tế và trình diễn văn hóa của mình. Người Đài Loan, Thái Lan, Malaysia thường mở các quán ăn mang đặc trưng đất nước mình, người Singapore thường mở các văn phòng tư vấn kiến trúc, tư vấn giáo dục và sức khỏe, người Philippines làm nghề giúp việc nhà và một số nhóm biểu diễn ca nhạc trong các quán bar, người châu Âu lại thường xuyên mở các chương trình quảng bá giáo dục và các cửa hàng trưng bày thiết bị kỹ thuật... Như thế bản đồ văn hóa của TP.HCM sẽ ngày càng đa dạng và nhiều màu sắc hơn lên theo đà phát triển kinh tế và hội nhập văn hóa sâu, rộng với thế giới.
Chính sự khác biệt về gốc gác nhập cư từ các vùng, miền nội địa và quốc tế đã tạo nên cho TP này một sự đa dạng rất ấn tượng. Không hề quá lời khi xác quyết rằng ở Sài Gòn bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì mà Việt Nam có và thế giới đang có. Người ta có thể tìm thấy ở TP này những sản phẩm của tất cả mọi vùng, miền, từ ẩm thực, trang phục, âm nhạc, đồ nội thất đến các sản phẩm IT mới nhất vừa mới ra lò ở Mỹ, Nhật trước đó một vài ngày. Từ thịt cừu nướng của người Mông Cổ, đậu phụ thối của người Trung Quốc, bia Tiệp, xúc xích Đức, trứng cá của Nga, pizza của Ý, kim chi của Hàn, sushi của Nhật Bản, mắm Thái… đến thắng cố của người H’mông đều có tất tần tật, miễn là bạn biết cách tìm kiếm nó.
Vùng đất này có được sự đa dạng vì nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là từ sự cởi mở, phóng khoáng, hiếu khách của dân sở tại. “Tứ hải giai huynh đệ” là quan niệm sống với mọi người của dân Sài Gòn.