Ông Mai Cồ ghiền Sài Gòn

Mai Cồ là cách gọi thân mật và cũng chết tên luôn của Michael Abadie, người đàn ông Mỹ thân thiện, nói tiếng Việt “như gió”, hay rảo bước chụp ảnh quanh đây.

Tôi không nhớ lần đầu tiên gặp Mai Cồ lúc nào, chắc là cũng gần chục năm rồi. Ngay từ lần gặp đầu tiên, trước nụ cười dễ mến và thái độ niềm nở cũng như cách trò chuyện thú vị của ông, tôi nghĩ đây hẳn là một người đàn ông rất đặc biệt. Sau vài lần gặp lại, có lẽ không nghi ngờ gì nữa, ông là một người bạn có tình yêu Việt Nam rất lớn. Có rất nhiều người nước ngoài yêu Việt Nam, mỗi người một cách khác nhau. Mai Cồ bắt đầu yêu Việt Nam từ một người con gái Việt ở Mỹ tên Tuyết Lê.

Tìm được người phụ nữ và chọn được nơi để sống

Phần đông người Việt thích phụ nữ có nước da trắng mịn, còn người Mỹ thì ngược lại, thích phụ nữ có nước da nâu. Mai Cồ cũng nằm trong số đó.

“Tôi đã bị sét đánh ngay từ lần đầu nhìn thấy cô ấy” - Mai Cồ hồi tưởng. “Cô ấy cuốn hút tôi ban đầu ở nước da ngăm ngăm. Nhưng đấy chỉ mới là ấn tượng đầu tiên, tôi tiếp tục choáng khi trò chuyện với nàng. Giọng nói, cách ăn nói, suy nghĩ… bất cứ lời nói hay hành động của cô ấy đều nhẹ nhàng và cực kỳ dễ thương, hấp dẫn với tôi, tôi lập tức theo đuổi cô ấy và kiên trì cầu hôn. May quá, cuối cùng nàng đã đồng ý” - Mai Cồ kể.

Mai Cồ chỉ biết đến Việt Nam với những thông tin, hình ảnh về chiến tranh trên báo chí, truyền hình Mỹ. Chuyến về thăm quê vợ năm 1988 sau khi Việt Nam mở cửa thay đổi cách nhìn của ông về đất nước này. Bước ra cửa sân bay Tân Sơn Nhất, ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn và Việt Nam với Mai Cồ là sự yên tĩnh đến kỳ lạ dù ngay giờ cao điểm. Vốn sống ở New York từ nhỏ, chịu đựng tiếng ồn của vô số ô tô trên đường nên hình ảnh Việt Nam với những đường phố vắng vẻ, với những hàng xe đạp nhẹ nhàng lướt qua thật y như một thế giới khác.

Ngày ấy Việt Nam còn nghèo lắm, mọi người phải chật vật kiếm sống mỗi ngày nhưng trên gương mặt mỗi người đều luôn nở những nụ cười. Trên đường phố, trong công sở hay các quán ăn, xưởng lao động… những nụ cười tươi rói và thái độ hiếu khách thân thiện, chân tình và niềm nở của mọi người đã khiến tình yêu với Việt Nam của ông ngày một lớn thêm.

Từ đó năm nào vợ chồng ông cũng về chơi, cho đến năm 1994, khi ông tìm được việc làm ở Việt Nam thì cả hai vợ chồng về ở hẳn luôn.

Để đi đến quyết định về Việt Nam sống luôn không phải quá khó khăn với Mai Cồ. Đã yêu là theo đến cùng. Ngay cả vợ ông, người phụ nữ rời Việt Nam đến nước Mỹ để tìm cho mình một cuộc sống mới, cũng chấp thuận trở lại Việt Nam để sống cùng ông.

Sau 30 năm, những con đường Sài Gòn không còn yên tĩnh nữa, xe đạp đã bị thay thế bởi xe máy và ô tô, tiếng ồn ngày càng lớn nhưng Mai Cồ nói: “Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian nhưng tình yêu của tôi với Việt Nam vẫn vậy”.

Hai vợ chồng Mai Cồ đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày cưới vào tháng 6 tới đây, họ đã đi cùng nhau một đoạn đường dài và trắc trở nhất.

Mai Cồ nói ông đã có hai sự lựa chọn đúng đắn trong đời: Tìm được người phụ nữ của mình và chọn được nơi để sống đến hết đời.

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Mai Cồ.

Nhiếp ảnh gia thích xài máy rẻ tiền

Từ nhỏ Mai Cồ đã thích chụp ảnh, ông thích bắt lấy từng khoảnh khắc đẹp của cuộc sống trôi qua. Ông đi đâu cũng có máy ảnh đeo bên mình vì sợ hình ảnh đẹp diễn ra không lưu giữ lại được thì tiếc vô cùng.

Những hình ảnh cuộc sống Việt Nam đẹp đẽ và mới lạ, Mai Cồ đều lưu giữ lại trên mỗi chặng đường đi. Bộ ảnh Việt Nam thời đổi mới của ông có giá trị tư liệu rất đáng quý vì giữ lại những khoảnh khắc của cuộc sống người Việt Nam trong thời điểm lịch sử đó.

Ngoài phong cảnh, con người là đối tượng yêu thích của Mai Cồ, đặc biệt là phụ nữ. Với riêng ông, đôi mắt phụ nữ Việt Nam đẹp nhất và dáng người rất thon thả, ít bị thừa cân quá nhiều so với phụ nữ nhiều nước khác. Không phải chỉ các thiếu nữ mà trẻ em và người già cũng luôn là chủ thể trong các bức ảnh của ông. Mai Cồ thích chụp thể loại street life (ảnh cuộc sống đời thường) với các sinh hoạt tự nhiên, không dàn dựng.

Tôi thích ảnh của Mai Cồ vì nó rất dung dị. Những biểu cảm của những “người mẫu” rất tự nhiên và có những khoảnh khắc thật sự xuất thần. Những nét đẹp thân quen của phụ nữ Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng rất ảo diệu khi nhìn qua góc máy của ông. Chất liệu tạo nên ảnh của ông là hòa hợp giữa sự khác biệt của góc nhìn trong mắt một người ngoại quốc pha lẫn sự quen thuộc của mấy chục năm gần gũi như người trong cuộc. Nhiều tấm vẻ đẹp mang lẫn sự hài hước của những tác giả.

Lần đầu gặp Mai Cồ, tôi có hơi ngạc nhiên khi một người đam mê chụp ảnh như ông chỉ sử dụng một máy ảnh rẻ tiền, khác với nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài khác trên đường phố Sài Gòn. Mai Cồ giải thích là một nhà nhiếp ảnh giỏi không cần một thiết bị chuyên nghiệp và đắt tiền, chỉ cần cân bằng bố cục hình ảnh và sử dụng ánh sáng tốt nhất. Thật ra ông cũng không có ý định trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà thích trở thành một nhiếp ảnh gia đường phố hơn.

“Trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể kiếm tiền được từ máy ảnh và từ cả đường phố nhưng tôi không cần kiếm tiền từ nhiếp ảnh, tôi kiếm tiền từ công việc bảo hiểm là đủ rồi. Tôi chọn nhiếp ảnh là một thú vui, đó là lúc tôi có thể tìm thấy niềm vui từ nó và chụp tùy ý, thay vì cứ bận tâm vào việc làm theo đòi hỏi và trông chờ sự vừa ý của khách hàng” - Mai Cồ chia sẻ.

Ở Việt Nam rất “dzui”

Nhiếp ảnh không chỉ mang đến duy nhất hình ảnh, mỗi buổi sáng khi đeo máy ảnh đi ra đường, buổi chiều về không phải chỉ thu nhặt về có tác phẩm mà hơn thế là cả một ngày giao tiếp hào hứng với biết bao người. Mai Cồ nói ở Việt Nam rất “dzui” và ông luôn muốn “dzui”, thế nên dù chụp hay không, ông cũng luôn có cơ hội hoặc tạo ra cơ hội để giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Có khi là chia sẻ chuyện kỹ thuật nhiếp ảnh, có khi chỉ là chuyện sức khỏe, chữa bệnh, ẩm thực…

Ông Mai Cồ ghiền Sài Gòn ảnh 3
Mai Cồ ngày đầu tới Việt Nam và bây giờ.

Từ lúc nghỉ hưu, ông có thêm thời gian để đi chụp ảnh và quen biết thêm bạn. Mai Cồ khoe ông có rất nhiều bạn bè mấy chục năm vẫn thỉnh thoảng gọi cho nhau, trong đó nhiều người dân tộc thiểu số vùng cao. Những chuyến đi lang thang lên Tây Bắc hay Tây Nguyên là sự thú vị nhất, Mai Cồ tìm lại ở đó cảm xúc của những năm tháng cũ, nơi mà cuộc sống người ta không tiện nghi nhưng ai cũng vui sống, lạc quan với cuộc đời.

Nếu ở trung tâm TP bạn gặp một ông Tây cao lớn, đeo kính cận với máy ảnh kè kè bên người và đội mũ tai bèo, đấy đích thị là Mai Cồ và rất có thể ông sẽ đến làm quen trước. Rào cản ngôn ngữ không có vì ông nói giỏi tiếng Việt với chất giọng miền Nam mộc mạc. Người ta nói rằng nếu chưa biết về tiếng lóng tức là chưa hiểu sâu sắc về ngôn ngữ nào đó. Mai Cồ không chỉ biết tiếng lóng mà ông còn biết nói lái rất tài. Tính tình hài hước, nụ cười và niềm vui không bao giờ mất đi trên khuôn mặt của ông sẽ lan sang mọi người. Yêu là cho và cũng là nhận, mọi người luôn quý mến ông và ông cũng vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm