Mưa Sài Gòn trong đời

Quá nhỏ để còn gì hằn sâu trong ký ức, chỉ nhớ rằng tôi đã biết đến cơn mưa qua những câu tục ngữ, bài học thuộc lòng: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa; Lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp...

Khu Chợ Lớn nhà tôi không ai có ruộng nhưng cũng mong mưa vô cùng. Mưa nghĩa là chúng tôi hứng nước đầy lu, đầy khạp mà “nước đái trời” cho này khiến lũ trẻ tụi tôi đỡ vất vả khi chen nhau ngoài phông tên nước máy kiếm từng thùng nước cho những ngày cạn mưa. Còn đợi trời mưa ngay mùng 5-5 (tết Đoan ngọ) hứng đầy nước chứa vào lu để dành uống rất tốt (?).

Tôi hết làm thơ ca ngợi mưa và tình yêu để dành sức tàn làm thơ châm biếm về Sài Gòn mưa lội và ngập, dắt xe, cạo bugi, tát nước.

Lớn lên một chút, khi học đệ tứ, đệ tam (lớp 9, 10), mong trời mưa để được nhìn con gái trường Gia Long, Trưng Vương ướt lướt thướt dưới cơn mưa bất ngờ, để lộ những vùng núi đồi, thung lũng bí ẩn đối với thời con trai mới lớn để chỉ trỏ, cười đùa cùng nhau khoe răng trắng. Mà thấy được gì đâu cũng đủ làm thẫn thờ, mơ đuổi. Rồi bắt đầu lớn lên, tuổi trẻ và tình yêu hình như bắt đầu bằng những cơn mưa trong lời thơ, tiếng nhạc. Réo rắt cung tơ chiều mưa bay là “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa” . “Đêm nay thời gian đứng yên lắng đọng/ Cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng/ Mưa rơi làm thêm khó câu giã từ...”. Tuổi trẻ ai chẳng mơ làm thi sĩ. Ai chẳng mơ làm thơ để ca ngợi trời mưa phùn, nhớ em “Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ/ Hàng cây dật dờ” (Sài Gòn chẳng có mưa phùn nhưng phải tưởng tượng). Muốn làm thơ hay phải sống kiếp lãng tử “Ðêm khuya, mưa rơi, rơi trên đường vắng/ Ðôi chân, lang thang, tâm tư trầm lắng”. Không ai làm thơ ca ngợi nắng vì nắng thì nóng. Mà nếu có nói về nắng là cũng muốn ám chỉ về mưa! Mà lúc ấy nhiều nhà thơ, nhạc sĩ thành danh cũng như nửa mùa hay viết về mưa. Có lẽ lúc ấy mưa gợi nhiều thi hứng và quan trọng là mưa không gây ngập lụt. Đọc báo chỉ thấy tin chiến sự và chính trị chứ không thấy đăng tin, ảnh Sài Gòn ngập sau mưa. Làm sao “Đưa em về dưới mưa” khi anh và em cùng xắn quần, đẩy xe lội và... chửi thề trong bụng.

Đã hết thời mơ mộng để đi vào kiếp làm chồng, làm cha đời tôi trải qua sầu theo mưa “Hạt mưa, reo rắt nỗi buồn, cho thế gian sầu...” để sống trở về thực tế bài học ngày xưa: Mưa là do mây tích tụ! Rồi giải thích một cách cao xa, “bác vật” mưa là thời kỳ trời tuôn đủ nước cho lúa phát triển được ở những vùng canh tác lúa dựa vào nước mưa. Ngày bắt đầu mùa mưa là ngày độ ẩm tăng liên tục cho đến khi nước nổi lên trên bề mặt ruộng được be bờ. Về mặt định lượng, muốn nước nổi đủ như trên thì lượng nước trời “cho” bằng mưa phải cao hơn lượng nước trời cho “lấy” lại bằng bốc hơi qua nắng. Mà lượng bốc hơi của Nam Bộ là 5 mm/ngày thì mưa trung bình trong một ngày phải cao hơn 5 mm. Người ta đã tính rằng muốn “đủ thu bù chi” như thế thì phải có mưa trong 10 ngày liền nhau với tổng lượng mưa 60-100 mm. Và như thế chỉ khi nào bạn có đủ 10 ngày “đưa em về dưới mưa” thì mùa mưa mới xem là chính thức đã trở lại.

Ở tuổi này, khi hơi sức hụt hẫng không còn “Tháng Sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em” và “Hồn không còn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê” vì trời mưa dính liền đến ngập và ngập. Tôi hết làm thơ ca ngợi mưa và tình yêu để dành sức tàn làm thơ châm biếm về Sài Gòn mưa lội và ngập, dắt xe, cạo bugi, tát nước. Không ngập mới là lạ khi Sài Gòn, thay vì phát triển về phía bắc lại phát triển về phía nam nơi có chức năng tự nhiên là nơi thoát nước. Lấp đi rồi ta lại làm dự án thoát nước (mà chỉ thấy thoát tiền), rồi dự án hồ chứa nước khi mà hồ chứa nước tự nhiên trở thành đô thị đáng sống chỉ cho một số ít người...

Nắng cực mong mưa cho mát. Nhưng mưa rồi phố bỗng trở thành dòng sông uốn quanh. Đúng là cái vòng luẩn quẩn. Ấy thế nên ta chép lại vài câu hát nhại trên bìa báo Tuổi Trẻ Cười từ năm 99 của thế kỷ trước cho trời cười “Sài Gòn mùa mưa - Cây rơi trên đầu và nước không thông - Mưa rơi chi nhanh cho đầy nước lụt...”.

Đó là mưa Sài Gòn trong tuổi thơ và tuổi già của đời tôi, còn những cơn mưa cho tuổi thơ ngày mai...?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm