Nhà văn Minh Hương vốn là người Hội An, theo gia đình vào miền Nam từ năm 19 tuổi và đã sống, chiến đấu bảo vệ TP này trong hai cuộc chiến tranh. Rồi dạy học và viết báo. Trong những tháng ngày sống và lập gia đình tại Sài Gòn, rồi TP.HCM sau này, ông đã có những ghi nhận về đô thị này từ những vòng xe đạp của bước chân lãng du. “Ở Sài Gòn mà lại nhớ Sài Gòn? Rời làng, xa nơi chôn nhau cắt rún hay phải tha phương cầu thực thì còn đâm ra nhớ làng nhớ xứ. Còn mình vẫn ở đây từ bao lâu rồi, mà lại đâm ra nhớ nhung vớ vẩn. Niềm hoài cổ mỗi người đều giữ ít nhiều trong lòng: Có lúc cảm thấy thiếu thốn một cái gì nó bàng bạc, mông mênh…”.
Hóc Môn - cửa ngõ của Sài Gòn với những vườn trầu cau xanh mướt.
Sài Gòn của nhà văn Minh Hương là bốn cửa ngõ phía bắc gồm Bà Điểm, Hóc Môn rồi chạy tuốt lên Củ Chi rất nhiều vồng, bờ tre, ngõ trúc với sản phẩm cây nhà lá vườn là mẹt, thúng, cần xé, rổ rá… Rẽ vào hướng đông trên vùng Gia Định xưa còn nhiều vườn cây xum xuê nằm khuất sâu trong các xóm ở hai bên con lộ cũ chạy từ cầu Bông đến Thủ Đức. Rồi hướng về miền Tây, ra Phú Lâm vượt thị trấn An Lạc là những cánh đồng mênh mông chạy dài mút mắt và sau cùng, “cửa ngõ phía nam Sài Gòn xòe rộng ra như một bàn tay vô số ngón dài ngoằng. Mỗi ngón là một con sông nhỏ, lớn hay rạch kinh, tấp nập tàu thuyền…”.
Trong nội vi của bốn cửa ngõ đó là một Sài Gòn với những cộng đồng dân cư từ nhiều địa phương tụ tập về đây và hình thành nên những xóm làng mang những cái tên đặc trưng cho vùng đất mới. Làng dệt Bảy Hiền với nhiều ngõ đi vào như từ hướng Lạc Long Quân hay Cách Mạng Tháng Tám, khu Bảy Hiền rồi vào Võ Thành Trang hay Hồng Lạc hoặc Nguyễn Bá Tòng. Để phục vụ cho cư dân làng dệt, một ngôi chợ “rất cục bộ” đã mọc lên mang tên chợ Bà Hoa (chợ Phường 11) với những món ngon xứ Quảng. Người mua, người bán phần lớn là người “ngoài nớ”. Tác giả cho biết chợ mọc lên từ một miếng đất trống trước năm 1971, một người phụ nữ tên Hoa bỏ tiền thuê đất cất lên. Rồi nhà văn Minh Hương dẫn người đọc đi về bến Tắm Ngựa vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước với tên Xóm Lách. “Xóm chạy theo kênh Nhiêu Lộc giữa hai cây cầu Lê Văn Sỹ và Nguyễn Văn Trỗi. Bến là một bãi rất rộng, thường có người từ đâu dẫn ngựa đến tắm, nên khu đất xung quanh được gọi chung là Bần Tắm Ngựa. Còn khoảnh đất bên kia đường đã có một ít nhà lầu, biệt thự cất lên hai bên ngôi đình Xuân Hòa”.Vậy, hôm nay, bến Tắm Ngựa là khu phố có tiệm phở bắc Phú Gia.
Tác giả như một nhà “nghiên cứu” đã cho người đọc biết Sài Gòn có nhiều xóm mang tên vườn như Vườn Bầu, Vườn Chuối, Vườn Xoài (quận 3); Vườn Cau, Vườn Dừa, Vườn Nhãn (quận Phú Nhuận); Vườn Điều, Vườn Ngâu, Vườn Tiêu, Vườn Xoài (quận Tân Bình); Vườn Lài (quận 10); Vườn Trầu, Vườn Thơm, Vườn Cau đỏ (huyện Hóc Môn) mà tên mỗi vùng với chữ “vườn” thường được đặt theo tên nông, thổ sản của khu đất đó. Chẳng hạn như Vườn Chuối (quận 3) là một xóm rất rộng, um tùm cây cối mà nhiều nhất là chuối. Rồi từ Vườn, nhà văn dẫn người đọc lững thững theo chiếc xe đạp của ông để đến với phố-chợ. Phố thì có phố Tủ sắt, phố Bàn ghế, phố Cô dâu, phố Hàng sơn, phố Vỏ ruột xe, phố Phục hồi ống nhún, bugi… Chợ thì có chợ Ngồi, chợ Đứng, chợ Chồm hổm, chợ Chạy, chợ Bụi, chợ Lề đường, chợ Rác, chợ Thuốc Bắc, chợ Trứng vịt, chợ Âm phủ, chợ La, chợ Lạc xoong… Các chợ này nay còn mai lặn, mốt trồi lên như chợ hoa… (còn tiếp)