(PL)- Nhà văn, với trí mộng tưởng của mình - bắt nguồn từ những sâu thẳm tâm thức ấu thơ, nơi chôn nhau cắt rốn và ngay cả những va vấp trong đời sống thường nhật luôn trải lòng về một nơi đất lạ. Một khung cảnh mới. Những con người mới. Những nếp sinh hoạt xa lạ với nơi mà họ đã lớn lên và trưởng thành. Nhà văn, với ngòi bút của mình, sau khi vật lộn một thời gian, được sống và cảm nhận toàn bộ cái hồn cốt của nơi mình nhập cư và trở thành một phần của nó đều có nhận xét về nơi mình đã chấp nhận nơi này là quê hương “dẫu cho khó thương?”. Họ đem so sánh, chắp nối những mảnh ý nghĩ về vùng đất mới với những gì thân thương nhất trong cuộc sống của họ để thấy rằng mình đang yêu nó lắm lắm, không tách rời nó cũng như nó không thể tách khỏi tâm hồn mình. Lạ lùng. Một ý tưởng chợt đến nhưng không phải không có lý của nó. Tôi cũng có đọc ít nhiều những bài viết của các nhà văn, khắp nơi, đến và ngụ cư ở Sài Gòn, viết về TP này nhưng chưa thấy ai so sánh Sài Gòn như một người đàn bà. Bài túy bút (túy chứ không phải tùy) Mơ Hương Cảng (Vũ Khắc Khoan - NXB Kẻ Sĩ - 1971) đã viết về Sài Gòn:
“Một thành phố như vóc dáng một người đàn bà. Cũng thờ ơ, lãnh đạm, vô tình, vô duyên, cũng quyến rũ, yêu, nhớ, dứt áo ra đi, trở về đột ngột. Sống, ở đó, là thôi suy nghĩ về đó, như với một người đàn bà, dấn thân vào hành trình một cơn đam mê, là dọn mình để chấp nhận tất cả: Tiếng động của xe cộ, phiền toái của luật lưu thông đèn xanh, đèn đỏ, bụi bậm của một khung trời chật hẹp, rác rưởi của đầu đường xó chợ, sình lầy của ngõ hẻm, bất ngờ của điện và nước; và thỉnh thoảng, những buổi sáng linh động, những buổi trưa tĩnh vật, những buổi chiều tay muốn nắm tay, những đêm xuống thân xác tìm thân xác. Sống, ở đó, là… sống ở đó. Không đặt vấn đề. Không thẩm định giá trị. Cho nên… Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi là ngớ ngẩn, là sai lầm. Vì Sài Gòn không thể đẹp, không thể xấu đối với người Sài Gòn. Trước khi yêu, người ta có thể bình tĩnh phân tích, ngắm nghía so sánh. Yêu rồi là thôi tính toán, là chẳng thấy gì, là chuồi theo, là hết. Hình như tòa building Caravelle có xây nghiêng mấy độ, người Sài Gòn vẫn thản nhiên tản bộ trên đường…
Sài Gòn là đất bồi, là bến nước, là bốn mùa luân chuyển trong một ngày, là mưa là nắng dứt khoát hai vụ gió mùa, là đam mê, là sống vội hôm nay, không có hôm qua, bất chấp ngày mai: Có thể là như vậy. Nhưng đó là tự Paris, Cần Thơ, Sóc Trăng, đó là những người làm văn làm thơ, những người nghiên cứu địa lý, xã hội… đó là những người khác luận về, ca tụng, viết về, bàn tới Sài Gòn. Người Sài Gòn tại Sài Gòn gắn liền định mệnh của riêng mình vào định mệnh chung của Sài gòn và không có ý kiến về Sài Gòn.
Không biết xa Sài Gòn người ta có nhớ Sài Gòn nhưng có những nơi người ta đang định cư, đang lạc nghiệp, chưa hề dời nửa bước ra khỏi đường ranh, mà nhớ nhung vẫn hiện hữu, vẫn giăng mắc đâu đây - ở mọi ngã đường, đầu phố, ngã ba, ngã tư - ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu như nhớ nhung ở những nơi đó đã trở thành một thứ hạ tầng cơ sở mà lầu ngang, phố dọc, chợ búa, bát úp nhà phường, tàn cây, lối cỏ xây dựng lên trên chỉ là những kiến trúc thượng tầng…” (hết trích).
Tôi chưa đọc được đoạn tùy bút hay tạp văn nào đã cho rằng Sài Gòn như một người đàn bà… nhưng là một người đàn bà “ái nhân tri kỷ”, không xa lạ mà trái lại, tôi phải lệ thuộc vào để yêu và giữ “rịt” cho mình một cách ích kỷ, không sẻ chia.