Săn hàng giá rẻ ở phiên chợ giao dịch không tiền mặt

(PLO)- Chuỗi chương trình Ngày không tiền mặt năm 2022 có nhiều sự kiện như phiên chợ, chuyến xe xuyên Việt, giảm giá trực tiếp, hoàn tiền mặt, miễn phí mở thẻ, cung cấp nhiều giải pháp tín dụng cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 20-5, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 tại TP.HCM.

Theo đó, trong tháng 6 này, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.

Để hoạt động thanh toán không tiền mặt lan tỏa rộng hơn, từ ngày 4-6 đến 12-6, chương trình sẽ phối hợp với Sở Công thương TP tổ chức hai phiên chợ không tiền mặt tại Khu công nghệ cao và Khu chế xuất Tân Thuận.

Tại phiên chợ, công nhân có thể trải nghiệm các phương thức thanh toán không tiền mặt và được mua các sản phẩm với mức ưu đãi lớn.

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.oFood… sẽ giảm giá từ 15-50% cho hơn 10.000 sản phẩm nhu yếu tại siêu thị và hai phiên chợ công nhân, ưu tiên cho khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng, chuyển khoán, ví điện tử… không dùng tiền mặt.

Sacombank cũng triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt của ngân hàng.

Ngoài ra, khách hàng còn được giảm tiền, hoàn tiền và nhận nhiều quà tặng khi mở mới hoặc thực hiện các giao dịch qua thẻ của Sacombank.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thời gian vừa qua NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và quy định về hoạt động TTKDTM.

NHNN đã trình Chính phủ Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã phối hợp với các bộ cấp phép thí điểm Mobile Money cho ba nhà mạng viễn thông.

Hiện nay, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012 về TTKDTM, dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thử nghiệm.

Tính đến tháng 4 vừa qua, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%, qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%, qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ghi nhận từ thực tế, chị Hằng - tiểu thương chợ Tân Lập (quận 9) chia sẻ: Chúng tôi là những người buôn bán nhỏ lẻ và ở chợ truyền thống thì phần lớn các giao dịch thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ngày càng nhiều có khách hàng hỏi tôi có nhận tiền qua chuyển khoản hay không. Nếu tôi từ chối thì họ sẽ sang chỗ khác mua.

"Chính vì vậy, ngoài hình thức thanh toán bằng tiền mặt, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận thanh toán thêm bằng cách phương thức như quét mã QR, chuyển khoản, hay chuyển qua ví điện tử. Dù tỉ lệ này không cao nhưng nếu mình không chịu chuyển đổi sẽ khó giữ chân khách hàng”, chị Hằng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm