Ngày 11-6, lãnh đạo UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết TP Nha Trang đã giao cho Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm việc với Viện hải dương học để nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân và tìm phương án phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tại vịnh Nha Trang.
Vị này cho biết nhiệm vụ bảo tồn vùng lõi Khu bảo tồn biển Hòn Mun là hết sức quan trọng. Trước đây, TP Nha Trang đã giao cho Ban quản lý vịnh Nha Trang có phương án bảo vệ, kiểm tra kiểm soát phân khu chức năng tại khu bảo tồn.
"Nguyên nhân san hô chết phải có đánh giá chuyên sâu. Thứ ba này chúng tôi sẽ họp các ngành, từ đó bàn giải pháp phục hồi và bảo tồn" - lãnh đạo TP Nha Trang cho hay.
Lãnh đạo TP Nha Trang cho biết thêm thành phố xem việc bảo tồn hệ sinh thái vịnh Nha Trang là mục tiêu hàng đầu. Giá trị bảo tồn mới mang tính bền vững, không thể đánh đổi. Việc phát triển du lịch chỉ song hành, kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái biển.
San hô gãy đổ, chết trên diện tích hàng trăm m2
Nhiều du khách, thợ lặn xót xa, tiếc nuối trước cảnh san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chết hàng loạt trên diện tích hàng trăm m2.
|
San hô gãy đổ, chết hàng trăm m2 tại khu vực đảo Hòn Mun. Ảnh: MK. |
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Miễu… và vùng nước xung quanh. Nơi đây từng có quần thể san hô, sinh vật biển hết sức phong phú.
Trong đó, Hòn Mun là vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt vì có hệ sinh thái đa dạng nhất Việt Nam. Nơi đây cũng là bãi lặn nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến lặn, ngắm san hô và các sinh vật biển.
Anh M.K, một thợ lặn chuyên nghiệp ở TP Nha Trang, kể dịch COVID-19 khiến du lịch chững lại được xem là thời gian để phục hồi sinh vật biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây san hô tại Hòn Mun chết rất nhiều, sinh vật biển còn lại rất ít.
Theo thợ lặn 20 năm kinh nghiệm này, san hô khu vực bãi Mama Hạnh nằm phía đông bắc Hòn Mun đang gãy đổ, chết hàng loạt. Càng về phía tây đảo, san hô chết càng nhiều. Thảm san hô bị đánh gãy, trắng xóa cả một vùng đáy biển.
Tại khu vực đảo Hòn Tằm san hô cũng có tình trạng chết hàng loạt, bị đánh gãy tương tự. Đáy biển các khu vực này khá ít sinh vật biển. Một số chỗ vương vãi rác và bẫy đánh cá.
“Theo tôi, nguyên nhân san hô chết hàng loạt là do đánh bắt hải sản trái phép và lấy trộm san hô để buôn bán” - anh M.K. bức xúc.
|
Bẫy cá sót lại dưới biển ở khu vực Hòn Mun. Ảnh: MK. |
Nhiều thợ lặn ở Nha Trang cũng tiếc nuối khi nơi từng được gọi là thiên đường dưới biển bởi sự phong phú của san hô và sinh vật biển giờ đây hoang tàn như một nghĩa trang.
Tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết có nhiều nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái rạn san hô Hòn Mun. Trong đó, phần lớn là do thiên tai và hiện tượng tẩy trắng san hô.
Theo ông Thái, cơn bão số 12 năm 2017 từng làm rạn san hô phong phú và đa dạng tại Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và đông bắc Hòn Tre bị thiệt hại nặng nề đến 70-80%.
Đến năm 2019, san hô tại vịnh Nha Trang tiếp tục bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng đột biến.
Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho rằng qua ba năm, san hô có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, cơn bão số 9 vào cuối năm 2021 làm gãy đổ và sóng biển đánh vào bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô.
Ông Thái cung cấp số liệu cho thấy tại Hòn Tằm độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột vào tháng 7-2017 từ 56,8% xuống còn 12,5%.
|
Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Ảnh: MK. |
Trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.
Riêng đối với nhận định đánh bắt tận diệt tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, ông Thái khẳng định Ban quản lý vịnh Nha Trang luôn cương quyết xử lý triệt để tất cả hành vi không được phép trong khu bảo tồn. Đội tuần tra đã ngăn chặn 49 trường hợp khai thác trái phép trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022.
Các dự án du lịch ảnh hưởng đến môi trường biển
Trao đổi với PLO, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết cơ quan quản lý đưa ra tám nguyên nhân gây ra hiện tượng san hô tại vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt.
Theo PSG.TS An, cơ quan quản lý cho rằng san hô chết vì lý do thiên tai, địch họa hay con người xâm lấn… đều đúng. Vấn đề suy thoái môi trường biển, đất liền gây ra hiện tượng san hô chết phải có dự án nghiên cứu sâu và có giải pháp, chính sách.
Tuy nhiên, ông cho rằng kết cục vẫn do chính sách quản lý, xử lý của Nhà nước không hợp lý. Hiện vẫn chưa có chính sách quản trị biển đúng và hợp lý. Chúng ta có ban quản lý, quản trị, các đội kiểm soát chỉ mới ở hình thức.
“Điều dễ thấy nhất là việc phát triển dự án du lịch trên các đảo gây tác động đến môi trường biển” - PGS.TS An nói.
PGS.TS An cho rằng hệ sinh thái vịnh Nha Trang đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Trước mắt cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển trong khu vực vịnh, kiểm soát chặt chẽ các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực.
Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học cho biết để có một rạn san hô quý hiếm tại biển Hòn Mun phải mất thời gian dài để hình thành, có khi hàng ngàn, hàng triệu năm. Vì vậy, tình trạng san hô chết hiện nay rất khó phục hồi.
Ông Huỳnh Thái Bình, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết tốc độ phát triển của san hô tùy thuộc vào từng loài và nhiệt độ, độ trong, thức ăn của san hô.
San hô dạng cành, gạc nai mỗi năm tăng từ 0,5 - 2,5 cm; san hô dạng khối phát triển rất chậm chỉ khoảng từ 0,5 - 2,5cm mỗi năm; loại nhanh nhất hiện nay cũng chỉ 5 - 10cm/năm. Hiện nay hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun vẫn đang diễn ra quá trình phục hồi sau bão.