Việc cưỡng chế này nhằm thực hiện bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa xử vụ tranh chấp hợp đồng giao khoán, trong đó vợ chồng ông Hiệt phải trả cho Công ty CP Xây dựng Thương mại - Sản xuất Hòa Khánh hơn 325 triệu đồng và phải nộp án phí hơn 20 triệu đồng.
Cùng ngày, vợ chồng ông Hiệt gửi đơn đến các cơ quan xin hoãn cuộc cưỡng chế. “Không hiểu sao họ lại tổ chức cưỡng chế vào những ngày cận kề tết Nguyên đán. Việc tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế vào thời điểm này không phù hợp với tinh thần nhân văn của Luật THA, chỉ thị của Bộ Tư pháp là không tổ chức cưỡng chế trước và sau tết Nguyên đán, những ngày lễ trọng đại của đất nước” - ông Hiệt thắc mắc.
Trong kế hoạch cưỡng chế, Chi cục THADS thị xã Ninh Hòa nhận định việc cưỡng chế có thể xảy ra nhiều vấn đề phức tạp do ngôi nhà của ông Hiệt ở mặt đường quốc lộ 26, gần Nhà máy đường Ninh Hòa, nơi có lưu lượng xe qua lại thường xuyên… Do đó, Chi cục THADS cho rằng cần phải có biện pháp, phương tiện để xử lý, trấn áp khi đương sự có những hành động chống đối. Vì vậy, thị xã phải huy động hơn 30 người thuộc nhiều lực lượng tham gia cuộc cưỡng chế này.
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh Khánh Hòa tỏ ra ngạc nhiên về việc chọn thời điểm tổ chức cưỡng chế như trên. “Vội vàng gì mà lại tổ chức cưỡng chế vào thời điểm ấy? Nếu không may có chuyện phức tạp xảy ra, ai chịu trách nhiệm, giải quyết thế nào? Giáp tết Nguyên đán rồi, sao lại kéo lực lượng đến kê biên nhà cửa của dân?” - một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa nói.
Ông Đặng Đình Quyền, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Trên cơ sở thông tin do báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp, chúng tôi sẽ yêu cầu Chi cục THADS thị xã Ninh Hòa báo cáo. Chúng tôi sẽ chỉ đạo xem xét kỹ việc tổ chức cưỡng chế vì đây là thời điểm nhạy cảm”.
Một lý do khác mà vợ chồng ông Hiệt đề nghị hoãn cưỡng chế là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đang thụ lý xem xét giám đốc thẩm bản án trên. Cụ thể, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có văn bản xác nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của vợ chồng ông Hiệt là hợp lệ, đồng thời TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng có văn bản xác nhận đã thụ lý giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm sau khi yêu cầu vợ chồng ông Hiệt bổ sung tài liệu và đương sự đã bổ sung.
Được biết án phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Hiệt phải trả cho bị đơn số tiền trên, trong khi bị đơn không kiện vợ chồng ông Hiệt. Điều này trái với quan điểm giải quyết của VKSND tỉnh.