Nói một cách nôm na, khi sang tên giấy đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT.
Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là do hiện nay gặp “khó khăn do không có cơ sở hoặc không xác định được thế nào là giá chuyển quyền SDĐ hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách”.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn phản hồi Bộ Tài chính về vấn đề này. Theo đó, VCCI cho rằng việc tính toán giá chuyển quyền SDĐ hoặc tiền thuê đất của doanh nghiệp không có gì khó khăn. Kể cả khi có vướng mắc trong xác định giá tính thuế đi chăng nữa thì cũng có thể được tháo gỡ thông qua việc hướng dẫn chi tiết cách tính, hoặc ấn định một cách tính giá chuyển quyền SDĐ khi tính thuế. Khó khăn trong việc xác định giá trị được trừ khi tính thuế không thể là lý do để không cho phép trừ phần giá trị đó.
Hơn nữa, theo Điều 3 của Luật Thương mại, đất đai hay quyền SDĐ không phải là hàng hóa, dịch vụ. Trong khi Điều 2 của Luật Thuế giá trị gia tăng quy định đây là loại thuế “tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Do đó, việc đánh thuế VAT đối với chuyển quyền SDĐ sẽ không phù hợp với bản chất của loại thuế này.
VCCI cũng cho rằng việc đánh thuế VAT đối với chuyển quyền SDĐ cũng đặt ra câu hỏi về người nộp thuế. Ví dụ, liệu người nộp thuế chỉ là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản hay bao gồm cả những tổ chức, cá nhân mua bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh)? Nếu chỉ những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải nộp khoản thuế này thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng về thuế khi mà những tổ chức, cá nhân khác không phải nộp.
Hơn nữa, việc đánh thuế VAT đối với chuyển quyền SDĐ còn có thể gây nhiều tác động lớn như làm tăng giá đất đai, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tiếp cận chỗ ở của người dân.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định chuyển quyền SDĐ không thuộc đối tượng chịu thuế VAT như Luật Thuế VAT hiện hành.
Xung quanh vấn đề này, tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính toán nếu áp cả VAT khi chuyển quyền SDĐ, mỗi giao dịch bán nhà sẽ đội thêm 10%-15% chi phí. Bên cạnh đó, các cá nhân, hộ gia đình đã phải nộp tiền SDĐ (tiền thuê đất). Nếu tiếp tục đánh thuế VAT trên giá trị quyền SDĐ thì có thể dẫn đến tình trạng thuế phí chồng thuế phí và người mua nhà sẽ lãnh đủ.