Ngày 14-10, một nguồn tin xác nhận, bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) và gia đình vừa có đơn gửi đến VKSND TP HCM và Công an TP HCM đề nghị xin được tại ngoại và bảo lãnh tại ngoại.
Nội dung đơn bà Hằng cho biết đã bị tạm giam từ ngày 24-3 đến nay. Bà Phương Hằng cho rằng mình có nhiều đóng góp trong hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, nhất là trong đợt đại dịch COVID-19 nên mong muốn được tại ngoại.
Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng hôm 24-3. Ảnh: CA |
Gia đình cũng muốn bảo lãnh bị can ra ngoài để được điều trị bệnh cho bà Phương Hằng.
Trước đó, ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) đã có đơn gửi đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM, TAND TP.HCM xin giảm án cho mẹ là bà Phương Hằng.
Bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24-3. Ngày 18-8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 9-2022, VKS nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò đồng phạm, xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Hằng do Công an Bình Dương khởi tố nhằm giải quyết triệt để vụ án nên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra lệnh tạm giam bà Phương Hằng thêm gần 2 tháng.
Theo kết luận điều tra ban đầu, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định các buổi livestream của bà Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các cá nhân: ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Đặng Anh Quân, ông Nguyễn Đình Kim.
Đối với những cá nhân liên quan, tham gia giúp sức, CQĐT đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.