Từ đêm 15 sáng 16-12, lũ ồ ạt đổ xuống, xé toạc một đoạn hơn 50 m bờ sông rồi tấn công vào xóm Xuân Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cả xóm bị đổ sập theo dòng lũ. Trong gần 20 ngôi nhà ở khu dân cư này, có đến 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, còn lại bị đánh vỡ tan tác. Toàn bộ ao đìa nuôi tôm đều bị xóa sổ. Một phần ngôi làng trở thành con lạch, dòng chảy mới của sông.
Nguy cơ xóa sổ xóm Xuân Cỏ
Xuân Cỏ nằm ở hạ lưu sông La Tinh, từng làmột ngôi làng trù phú. Bây giờ, hầu hết các gia đình đều phải làm lại từ hai bàn tay trắng. Nhưng chưa biết đến bao giờ họ mới gượng dậy được!
Ông Đỗ Ngọc Quý (42 tuổi) chỉ ngôi nhà đổ nghiêng nằm chênh vênh bên con lạch mới ngậm ngùi: “10 ngày nay gia đình tôi ở nhờ nhà người quen, sống tạm bằng gạo, hàng cứu trợ. Chắc Nhà nước cũng hỗ trợ tiền để dựng lại nhà nhưng khó mà làm kịp trước tết. Tôi đang tìm cách khôi phục lại hồ nuôi tôm, đất sản xuất đã bị lũ bồi lấp chứ đâu thể sống mãi bằng sự cứu trợ”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết huyện đang khẩn trương quy hoạch khu dân cư mới để cấp đất tái định cư cho người dân xóm Xuân Cỏ. “Bà con khu dân cư Xuân Cỏ bị thiệt hại nặng nhất ở huyện Phù Mỹ trong các đợt lũ năm nay. Hiện nay hầu hết các gia đình đều lâm vào cảnh rất cơ cực, khốn khó, thiếu thốn mọi thứ. Nhiều gia đình bị mất hết nhà cửa, tài sản. Huyện đang tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ tối đa cho bà con về nhà cửa, trợ giúp lương thực, sản xuất, giúp con em học hành” - ông Dũng chia sẻ thêm.
Xóm Xuân Cỏ tan hoang chưa biết đến bao giờ mới gượng dậy được! Ảnh: HT
Cụ Phạm Thị Đỡ còng lưng nhổ những cây mì thối rễ do ngập úng kéo dài. Ảnh: VQ
Vườn rau xà lách ở huyện Quảng Điền bị héo lầy, nông dân mất trắng. Ảnh: ND
Lo dịch bệnh, ghẻ lở
Mới đến đầu thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (nằm bên đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối vì nước ngập tù túng, lâu ngày chưa rút. Anh Phan Khê, dân trong thôn, nói: “Người mới đến thấy khó chịu vội bịt mũi chứ bà con ngửi hoài, riết nên quen rồi”.
Bà Phan Thị Phong, một người dân địa phương, than thở: “Cực quá, chú ơi! Nước ngập úng lâu ngày khiến giờ không có cọng rau mà luộc chấm mắm. Củi cũng bị ngập, nấu được bữa cơm là người mệt phờ chẳng muốn ăn”.
Tại thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh, nhà dân, ruộng mía, nghĩa địa vẫn đang chìm trong nước úng... Cụ Phạm Thị Đỡ còng lưng nhổ những cây mì thối rễ, thở dốc: “Con người cũng chịu không nổi huống chi cây mới trồng. Cả đám mì cây chết hết rồi”.
Nhiều người dân ở thôn này cũng đang khổ sở vì thiếu nước sạch. Các giếng của dân làng bị lũ nhấn chìm, không dùng được vì sợ bệnh đường ruột phát sinh. Muỗi cũng đang sinh sôi, trẻ em cũng bắt đầu bị ghẻ lở…
Ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, cho hay có khoảng 20.000 dân ở các xã Đức Phong, Đức Minh và Đức Thắng sống trong ngập úng. Huyện đã chỉ đạo cho Đội y tế dự phòng và trạm xá các xã bị ngập tăng cường thuốc trị bệnh đường ruột, bệnh ngoài da và vận động dân nằm ngủ có chăn màn phòng bệnh sốt xuất huyết lây lan… Ông Nhân nhìn nhận đời sống người dân ở đây vẫn đang rất cơ cực.
Rau mất, tết trôi theo lũ
Lũ lụt kéo dài khiến hơn 500 ha hoa màu ở Thừa Thiên- Huế bị hư hại, người trồng rau đang đứng trước những khó khăn khi tết Nguyên đán đang đến gần.
Thẫn thờ nhìn vườn rau màu chìm trong lớp bùn đất, ông Dương Văn Hùng (làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) buồn bã nói: “Ba đợt lũ vừa rồi xảy ra liên tiếp nhau không những cuốn tài sản của tôi mà còn dập tắt hy vọng gỡ vốn từ lần này sang lần khác. Từ khi nước lũ rút, gia đình tháo nước và cắt bỏ những cây hư hại nhưng không biết chúng sống chết thế nào”.
Theo ông Hùng: “Thường chu kỳ phát triển của rau là khoảng 45 ngày. Gia đình cũng muốn trồng lại cho kịp vụ tết nhưng nghe đài báo bão, miền Trung sắp có mưa lớn nên gia đình không dám liều vì lại sợ trắng tay”.
Không chỉ vườn rau của gia đình ông Hùng, nhiều vườn rau khác ở huyện Quảng Điền; vùng dọc triền sông Bồ, Ô Lâu thuộc huyện Phong Điền và phường Hương Xuân, Hương Chữ, Hương An, thị xã Hương Trà cũng cùng cảnh khốn khó.
Ông Chế Văn Hiền (thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ) bùi ngùi: “Người dân chúng tôi ở đây chủ yếu sinh sống nhờ vào vườn rau màu. Vụ này là vụ mùa lớn nhất nên nhà nào cũng đầu tư nhiều tiền bạc và công sức vào vườn rau hy vọng thu hoạch để chi tiêu cho dịp tết. Giờ coi như mất hết”.
Khi được hỏi về những chi phí và dự định cho dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu đang đến gần, đa số người trồng rau màu đều thở dài nhìn về những vườn rau đang trơ trọi và héo úa sau lũ. Đối với những người nông dân nơi đây, bao nhiêu chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông cậy vào những vườn rau. Mà rau thì đã đi theo lũ…
Sẽ đến từng nơi làm lại giấy tờ cho người dân Trước tình trạng có nhiều gia đình, người dân bị lũ cuốn mất hết các loại giấy tờ tùy thân, Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho hay ngành đã yêu cầu công an các địa phương, đơn vị trực thuộc hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa làm lại các loại giấy tờ cho người dân. Một số đơn vị chức năng sẽ trực tiếp về các vùng có nhiều người bị mất giấy tờ để hướng dẫn người dân làm lại. Ngoài ra, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ các gia đình dựng lại, sửa chữa nhà ở. Cùng với cứu trợ lương thực, đảm bảo không có hộ nào thiếu ăn, tỉnh cũng đang tìm nguồn cây giống, vật nuôi, vật tư hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất để ổn định lâu dài. Tuy nhiên, số gia đình bị thiệt hại nặng quá nhiều, quá lớn, tỉnh rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng”. Không còn nguồn nào lo cho con ăn học Ông Nguyễn Hồng Sơn, thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An, Phú Yên, thẫn thờ đứng bên đống lúa đang trở thành mạ non đổ trên chiếc giường gỗ gãy nát. Đó là những gì còn lại của gia đình ông sau những trận lũ dữ. “Kêu hàng xóm đến lấy lúa đó về cho gà ăn, gà cũng không ăn vì lúa ngâm nước lâu ngày, giờ bốc mùi chua, thối” - ông Sơn kể.
Bà Phước, vợ ông Sơn, ngồi thần người, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt vẫn chưa hết bàng hoàng. Lũ rút, bà ra đồng thăm ruộng nhưng nghẹn lòng vì toàn bộ 1 ha lúa đang kỳ thu hoạch của gia đình vẫn ngập trong bùn lũ, hầu hết hạt lúa đã trở thành mạ non. Trước lũ, vợ chồng bà đã thu hoạch được một tấn lúa gửi ở nhà văn hóa thôn, giờ cũng bị lũ quét sạch không còn một hạt. Bà kể mấy ngày nay gia đình sống bằng gạo cứu trợ và sự giúp đỡ của người thân. Ngay cả cái nồi nấu cơm, chén đũa cũng phải đi mượn. “Trước lũ, vợ chồng tôi cảm thấy yên tâm. Dự định gặt xong 2 ha lúa, hai vợ chồng tôi sẽ bán lấy tiền để dành. Một ít tôi lo chuyện tết nhất, còn lại sau tết sẽ gửi cho thằng út đóng học phí, có tiền ăn uống học hành. Giờ không biết lấy gì lo cho nó nữa, nói chi chuyện tết nhất" - bà Phước nghẹn ngào. |