Đầu tiên là Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) Nguyễn Văn Quý - người đã ký quyết định khởi tố oan ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào. Thông qua báoTuổi Trẻ, ông Quý đã chính thức đưa ra lời xin lỗi và mong được tha thứ cho “những nóng vội, máy móc, cứng nhắc trong cách hiểu, áp dụng pháp luật để gây ra sai sót này”.
Tiếp đó là đại diện VKSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cùng Cơ quan CSĐT Công an huyện này cũng đã tổ chức xin lỗi công khai bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ngụ TP.HCM, tạm trú xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Bà Ngọc đã bị khởi tố oan về tội chống người thi hành công vụ, trong khi bà là người đi tố cáo với công an về những sai phạm của lực lượng cát tặc và bảo vệ rừng.
Công luận cũng chứng kiến cái cúi đầu xin lỗi của ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh đối với nhân dân Việt Nam về phát ngôn thiếu trách nhiệm của ông Chu Xuân Phàm (Giám đốc đối ngoại của công ty) trước những thông tin về sự liên quan của công ty này đối với hiện tượng cá chết ở Hà Tĩnh và một số tỉnh ven biển miền Trung.
Ban lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi
Tất cả lời xin lỗi trên đều được các cá nhân, cơ quan, tổ chức đưa ra sau những tổn thương mà họ gây ra cho người khác. Những tổn thương đó chí ít là đưa một con người vào vòng lao lý, một gia đình vào sự khổ sở trần ai khi bị cái án sắp chịu của người thân mình treo lơ lửng trên đầu. Và lớn hơn là cả triệu người dân phải phẫn nộ trước sự đe dọa của môi sinh đối với sức khỏe mình và tương lai con cháu sau này.
Tất nhiên, biết mình làm oan, làm sai mà công khai xin lỗi, hành động đó đáng được ghi nhận. Nhưng hầu hết lời xin lỗi được đưa ra khi mọi chuyện đã rồi, khi đó nó trở thành nghĩa vụ buộc họ phải thực hiện chứ ít khi xuất phát từ sự “nhận ra” của chính mình.
Người dân cụ thể trong mối tương quan với các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước luôn là phía thấp cổ bé họng. Ai vào vòng lao lý rồi mới biết nỗi thống khổ của nó như thế nào. Ấy vậy mà lời xin lỗi gần như được đưa ra rất chóng vánh. Ai cũng nói thực lòng xin lỗi nhưng thực tâm hay không thì thật khó biết. Bản thân người trong cuộc cũng thấy hụt hẫng vì những lời xin lỗi chóng vánh đó chưa xứng với những thống khổ mà họ đã trải qua. Những tổn thương về danh dự, sức khỏe, tiền bạc của người dân ai thấu hết, ai hiểu hết và sao mà lành lặn lại được trong một sớm một chiều. Những lo lắng đầy ám ảnh về việc cá nhiễm độc chưa xử lý, đâu phải một cái cúi đầu xin lỗi của lãnh đạo Formosa là dân có thể yên tâm.
Bởi thế người dân trông chờ nhiều hơn sau những lời xin lỗi đó là sự phục thiện xuất phát từ lương tri và phải được chứng minh bằng hành động cụ thể. Phải nhớ rằng những tổn thương sẽ trở nên khủng khiếp hơn nếu thay vào sự thành tâm là sự hục hặc và lòng hận thù.
Sẽ thuyết phục hơn những lời xin lỗi rất nhiều nếu mỗi người cùng hành động để xóa bỏ những nguy cơ dẫn đến tổn thương cho người khác, gầy dựng niềm tin cho nhau, bắt đầu từ một nhận thức đơn giản - chúng ta ai cũng là con người!