Hiện nay, việc xử lý hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng được quy định trong hai nghị định khác nhau của Chính phủ. Có sự trùng hợp khá hi hữu khi hai nghị định này đều được ban hành ngày 12-7-2010 và đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2010.
Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 73 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội), say rượu, bia là hành vi “vi phạm quy định về bán, sử dụng rượu, bia”. Hình thức xử lý là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng. Trong khi đó, theo khoản 1b Điều 18 Nghị định số 75 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa), say rượu, bia là hành vi “vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa”. Hình thức xử lý là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Cùng một hành vi mà hai văn bản quy định mức phạt tiền chênh lệch nhau gấp 10 lần thì các cơ quan phải áp dụng văn bản nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Thế nhưng, trường hợp hai văn bản do cùng một cơ quan ban hành quy định khác nhau về cùng một vấn đề, được ban hành và có hiệu lực cùng thời gian thì luật này lại không đề cập đến.
Do vậy, nhiều khả năng việc áp dụng văn bản nào (Nghị định 73 hay 75) để phạt tiền người say rượu, bia sẽ do người có thẩm quyền tự lựa chọn và như thế dễ tạo ra sự tùy tiện, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
NGUYỄN QUỐC SỬ, Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM: Nên áp dụng nghị định có mức phạt tiền thấp Đúng như phân tích của bạn đọc Nguyễn Quốc Sử, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 không dự liệu đến việc một vấn đề lại được cơ quan cùng cấp ban hành thành hai văn bản khác nhau với thời điểm ban hành và có hiệu lực giống nhau. Có thể ai đó cho rằng do hai nghị định được ban hành cùng ngày nên rất khó để bắt lỗi hai bộ soạn thảo văn bản (Công an, Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã không “nhìn ngó” lẫn nhau để tránh việc “giẫm chân”. Nhưng thực ra không phải vậy. Trước đây, dù Nghị định 150/2005 (giờ được thay thế bằng Nghị định 73) đã quy định cách phạt hành vi say rượu, bia nêu trên nhưng sau đó Nghị định 56/2006 (giờ được thay thế bằng Nghị định 75) vẫn tiếp tục quy định cách phạt đối với hành vi này với mức phạt tiền cao hơn. Nay đến khi trình Chính phủ ban hành nghị định mới, hai bộ trên vẫn cứ theo cái cũ mà tính tiếp chứ không chịu phối hợp bàn thảo để hạn chế việc trùng nhau và hơn thế nữa là tréo ngoe nhau, gây khó khăn cho việc thực thi. Trước mắt, trong khi chờ Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) vào cuộc để xử lý vụ việc cho đâu đó rõ ràng, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền nên thực hiện pháp luật theo hướng có lợi cho dân. Cụ thể, nên phạt hành vi say rượu, bia theo Nghị định 73 vì nghị định này đưa ra mức phạt thấp hơn. |