Sẽ có quy định kiểm soát quyền lực trong tư pháp

(PLO)- Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là các hoạt động quan trọng và Bộ Chính trị xác định cần kiểm soát quyền lực chặt chẽ, khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực vào cuối tháng 6-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN, tiêu cực, hai lần nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trước hết và ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN, tiêu cực.

Bộ Chính trị sẽ có quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp. Trong ảnh: Nhiều người bị kỷ luật trong vụ tha tù trước thời hạn Phan Sào Nam sai luật. Ảnh: TTXVN

Bộ Chính trị sẽ có quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp. Trong ảnh: Nhiều người bị kỷ luật trong vụ tha tù trước thời hạn Phan Sào Nam sai luật. Ảnh: TTXVN

Phải thiết lập cơ chế để kiểm soát quyền lực

Đây cũng là quan điểm, yêu cầu của Trung ương Đảng được đề cập trong Kết luận 21-KL/TW từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII năm 2021; Kế hoạch 03-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận 21 và được đưa vào chương trình công tác năm 2022 của Bộ Chính trị, Ban bí thư.

Từ các căn cứ trên, Ban Nội chính Trung ương đang tập trung xây dựng đề án về kiểm soát quyền lực PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Mục đích của đề án là để tham mưu Bộ Chính trị ban hành một quy định chuyên biệt về lĩnh vực đặc thù này.

Từ tháng 4, BCĐ xây dựng đề án đã hoàn tất đề cương, đề ra chi tiết các yêu cầu mà đề án phải giải quyết.

Theo đó khẳng định công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có tính chất đặc biệt, thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước với mục đích bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn công tác này cho thấy tình trạng lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Một giải pháp quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn sự “tha hóa” là phải thiết lập cơ chế để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp, trong đó cần nhận thức thống nhất và vào cuộc đồng bộ.

Dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có những mặt còn lúng túng.

Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi...

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương NGUYỄN XUÂN THẮNG phát biểu tại hội thảo chiều 15-7 tại Đà Nẵng

Dự kiến sẽ trình dự thảo vào tháng 9

Chính vì yêu cầu trên nên quá trình xây dựng đề án này có sự tham gia của hàng loạt cơ quan, đầu tiên bằng việc tự nghiên cứu, xây dựng chuyên đề từ thực tiễn của chính mình.

Chẳng hạn, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương xây dựng ba chuyên đề thực trạng kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngành mình. Đảng đoàn Quốc hội thì chỉ đạo xây dựng chuyên đề từ góc nhìn công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng. Ban cán sự đảng Chính phủ thì chỉ đạo xây dựng chuyên đề từ thực tiễn quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ…

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đóng góp bằng chuyên đề về thực trạng kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp từ chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các Tỉnh ủy, Thành ủy cũng tham gia vào đề án với chuyên đề từ góc nhìn, thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị địa phương.

Theo yêu cầu của BCĐ xây dựng đề án, các chuyên đề nhánh được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình từ năm 2011 - tức theo mốc cương lĩnh chính trị của Đảng được bổ sung, phát triển ở Đại hội XI. Còn số liệu để phân tích thì tính từ nhiệm kỳ Đại hội XII, cũng là từ khi BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực chuyển sang mô hình trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm trưởng ban.

Hiện tổ biên tập đang tổng hợp kết quả nghiên cứu từ các chuyên đề nhánh để xây dựng báo cáo tổng quan, các dự thảo tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để hoàn thiện đề án, trình Bộ Chính trị vào tháng 9 tới.

Sẽ có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn

Ngày 14-7, phát biểu tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho các cơ quan thông tấn, báo chí, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong ba nhiệm vụ đột phá xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì đấu tranh PCTN, tiêu cực và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng.

Đảng sẽ nghiên cứu, ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong những cơ quan tư pháp, tố tụng, thanh tra, điều tra để cơ chế kiểm soát quyền lực đảm bảo chặt chẽ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm