'Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh và hiệu quả'

(PLO)- Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-7, tại Đà Nẵng, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Ảnh: TẤN VIỆT

Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Ảnh: TẤN VIỆT

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho hay mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó có những mặt còn lúng túng.

Cụ thể theo ông Thắng, việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp. Việc thể chế, cụ thể hoá một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập.

Ông Thắng đề nghị các cấp tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng đổi với tổ chức cá nhân trong hệ thống chính trị xã hội. Cần thiết đổi mới cách bố trí người đứng đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

“Cần cơ chế, điều kiện phân cấp, phân quyền hợp lý gắn với kiểm soát quyền lực, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Song song đó, cần đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giảm sát đối với tổ chức Đảng. Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: TẤN VIỆT

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ này cần phải toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, vận hành thống nhất, đạt được hiệu quả. Qua đó sẽ đưa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng vào cuộc sống.

Bà Mai khẳng định, con người là yếu tố quan trọng nhất, là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

“Cán bộ nào phong trào đó. Cán bộ hiệu quả thì công việc hiệu quả. Tuy nhiên, con người phải cộng với một khuôn khổ đầy đủ. Nếu con người tốt cộng với khuôn khổ đầy đủ thì công việc rất tốt. Còn nếu con người không tốt mà cộng với khuôn khổ đầy đủ thì hạn chế được rủi ro vi phạm trong quá trình vận hành”, bà Mai cho hay.

Theo bà Mai, đường lối quan điểm của Đảng phải được chuyển tải qua một phương thức hoạt động có hiệu quả mới góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Những yếu tố này sẽ nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, nâng cao mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân trong suốt quá trình phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm