Sáng 30-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Dự thảo Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm 5 phần, 10 chương và 179 điều, có hiệu lực từ 1-1-2026. Riêng quy định về việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử và điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2028.
Bổ sung biện pháp giám sát điện tử
Liên quan đến biện pháp giám sát điện tử, Điều 139 quy định giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.
Bị can, bị cáo được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ nhất định. Chẳng hạn, không được đi khỏi phạm vi giám sát, trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi phạm vi giám sát phải có sự đồng ý của UBND cấp xã nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của người đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát điện tử.
Người được áp dụng biện pháp này cũng phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc không tiếp tục phạm tội.
Không được mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Đặc biệt, không tháo, phá hủy thiết bị giám sát điện tử hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát điện tử.
Thời hạn giám sát điện tử không quá thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định của Luật này.
Thời hạn giám sát điện tử đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay có ý kiến đề nghị rà soát, bảo đảm nguồn lực thực hiện cũng như quy định cụ thể về tổ chức thực hiện biện pháp này.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng quy định có liên quan tại Điều 140 (Áp dụng biện pháp giám sát bởi người đại diện) và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử sau hiệu lực chung của Luật là hai năm, để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.
Chỗ nằm tối thiếu là 2,5m2
Liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất của trại giam, Điều 162 Luật vừa được Quốc hội thông qua quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân phải được bố trí, thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính.
Ngoài ra, phải bảo đảm có các khu vực, công trình như: Khu giam giữ theo tính chất của tội phạm, mức hình phạt, giới tính; buồng giam; công trình phục vụ việc học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; khu thể thao, vui chơi; khu lao động, dạy nghề, khu thăm gặp và các công trình khác theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Buồng giam phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người chưa thành niên là phạm nhân là 2,5 m2.
Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên phải lắp đặt thiết bị để người chưa thành niên có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp…
Bà Lê Thị Nga cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình “phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho người chưa thành niên là phạm nhân” để bảo đảm tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hiện nay số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước. “Đáng lưu ý, có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người chưa thành niên nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra đối với người chưa thành niên”- bà Lê Thị Nga nói.
Tiếp thu một phần ý kiến của Chính phủ và Bộ Công an, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản dự thảo Luật theo hướng quy định ba mô hình để lựa chọn: Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.
“Việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định”- bà Lê Thị Nga nói.
Quy định này vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng đối với người chưa thành niên, vừa có nhiều mô hình để lựa chọn, vừa bảo đảm tính ổn định của Luật, đồng thời vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có.